Tham nhũng, tham nhũng và tham nhũng
Footballchannel, tờ báo bóng đá nổi tiếng châu Á đang đăng tải 1 bài viết về nạn hối lộ và tham nhũng ở K-League, đặt ngay tiêu điểm to nhất trên trang chủ.
Đọc bài báo này, sẽ thấy hóa ra K-League cũng chẳng khác nào, thậm chí hơn V-League về mức độ tiêu cực.
Theo quy định mới của BTC U23 châu Á, mỗi đội sẽ chỉ được đăng ký 20 cầu thủ và 1 thủ môn dự phòng.
Như vậy, HLV Miura sẽ phải loại ít nhất 2 cái tên nữa khỏi danh sách 23 người đã chốt, chưa tính việc có "đá" thêm ai để dọn chỗ cho Tuấn Anh, Đức Lương hay không.
Những tưởng khi Xuân Trường rời V-League để đến chân trời mới, hoành tráng nhất nhì châu Á thì sẽ được chơi bóng trong một môi trường sạch, nhưng không.
CLB Gyeongnam FC hiện thuộc K-League Challenge bị tố đã hối lộ ít nhất 4 trọng tài trong 2 năm 2013, 2014 để thay đổi kết quả các trận đấu, giúp họ trụ hạng K-League Classic.
Nhờ đó, năm 2013, đội bóng này vẫn an toàn.
Nhưng sang đến năm 2014, những chiêu trò bẩn không thể giúp Gyeongnam FC thêm nữa và họ phải xuống hạng 2 chơi bóng.
Cựu Chủ tịch CLB này, Ahn Jong-bok, cùng 3 trọng tài nữa đã bị kết án. Khi Ahn Jong-bok bị bắt, Hội đồng quản trị và Chủ tịch CLB đã phải thay mới. Trong mùa giải 2016, Gyeongnam FC cũng sẽ bị trừ 10 điểm.
Ông Ahn Jong-bok
Điều đáng tiếc là nhân vụ việc liên quan tới Gyeongnam FC, BTC K-League đã không cố gắng phanh phui thêm các scandal khác. Họ chỉ xử lý Ahn Jong-bok cùng 4 trọng tài, cấm tham gia các hoạt động bóng đá trọn đời.
“Ngay cả các công tố viên điều tra Ahn Jong-bok cũng phải kinh ngạc về cách chúng tôi quản lý (tốt) các trọng tài. Những bê bối dàn xếp tỷ số ở Gyeongnam là 1 ngoại lệ.
NHM có thể an tâm rằng các giải đấu ở Hàn Quốc là thật sự sạch sẽ” – một quan chức của K-League chia sẻ đầy tính… “tự sướng”.
Ngược lại với tuyên bố trên, Lee Young-pyo, cựu hậu vệ trái của Hàn Quốc, người hiện là một BLV, chia sẻ:
“Có thể một số người nghĩ rằng, để scandal Gyeongnam đi qua là cách tốt nhất hòng bảo vệ K-League, vốn đã và đang đối mặt nhiều khó khăn.
Nhưng những gì K-League cần bây giờ là khôi phục niềm tin từ NHM, thứ đã sút giảm nhiều trong 30 năm qua thay vì tận dụng nốt chút ít còn sót lại.
Nếu có ai nói rằng 99% trọng tài ở K-League là trong sạch, thì tôi phải nói rằng 99% vẫn không phải 100%. Dù chỉ 1% có khả năng điều tiết trận đấu theo kết quả định sẵn thì mục đích tốt đẹp của bóng đá đã không còn”.
Theo Lee Young-pyo, tham nhũng ở K-League đã tồn tại nhiều thập kỉ, có lẽ bắt đầu từ năm 1990.
Cha Bum-kun, cựu HLV ĐTQG Hàn Quốc (bị sa thải sau khi thua Hà Lan 0-5 ở WC 1998) đã tố cáo chuyện nhiều trận đấu tại K-League bị dàn xếp tỷ số, khi ông dẫn dắt CLB Ulsan Hyundai 3 mùa thuộc những năm 90.
LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) đã đáp trả bằng cách cấm Cha Bum-kun tham gia các hoạt động bóng đá trong nước suốt 5 năm.
KFA cho rằng Cha đã bôi nhọ, làm nhục danh tiếng của K-League bằng các phát ngôn thiếu chứng cứ, được cho là bộc phát sau khi bị sa thải bởi thành tích kém tại WC.
Nhóm hoạt náo viên xinh như mộng của Incheon United cũng khó gọi NHM tới sân.
Năm 2003, các tờ báo Hàn Quốc đồng loạt tố cáo CLB Seongnam đã mua chuộc cầu thủ đối phương để giành chức vô địch trong nhiều năm trước đó. Nhưng các lời tố cáo này dẫn bị gỡ xuống và không có cuộc điều tra nào diễn ra.
Năm 2008, các cầu thủ thuộc CLB Seoul Pabal FC (K3-League, trước là hạng 3 nay thành hạng 4) đã đứng ra làm chứng việc họ được nhận 100.000 USD cho mỗi trận thua theo chỉ định của nhà cái. Sau đó, các kết quả của CLB này bị xóa khỏi giải đấu.
Một năm sau, 4 cầu thủ và 5 quan chức thuộc các CLB ở National League (trước là hạng 2, nay là hạng 3) đã bị bắt vì đồng ý nhận tiền hối lộ cho việc dàn xếp tỷ số.
Bê bối lớn nhất đến vào năm 2011, khi 50 cầu thủ bị tố cáo nhận tiền của nhà cái, hòng dàn xếp tỷ số các trận thuộc K-League Classic.
Hầu hết trong số này bị cấm hoạt động bóng đá, một số là vĩnh viễn. Ba cầu thủ và 1 HLV đã chết, được cho là tự sát.
Trong số những người nhúng tràm, đáng chú ý có cả Choi Sung-kuk, một cầu thủ quốc gia Hàn Quốc, được mệnh danh Maradona xứ Nhân sâm.
Tuy nhiên, không có ai thuộc cấp quản lý CLB hay giải đấu bị xử lý.
Một điều đáng chú ý là K-League thuộc số ít những giải đấu lâu đời nhất châu Á. Đây cũng là giải đấu đang nắm giữ số lần vô địch AFC Champions League nhiều nhất (10) nhưng lại phải vật lộn với nạn tham nhũng.
Những hậu quả khủng khiếp
Chính vì những vết sẹo xấu xí như vậy mà lượng khán giả tới xem K-League đã giảm đi nghiêm trọng. Trong năm 2015, chỉ 3 CLB thuộc giải cao nhất có lượng NHM xem trung bình đạt 10.000.
6 CLB thậm chí không đạt mức trung bình 5.000 CĐV tới xem mỗi trận.
Lượng khán giả tới xem K-League ngày một giảm sút nghiêm trọng.
Bất chấp việc đài KBS danh tiếng của Hàn Quốc đã nỗ lực chiếu K-League nhiều hơn ở mùa trước, toàn bộ giải cũng chỉ thu về 5 triệu USD/năm, ít hơn nhiều 1 vài giải khác thuộc châu Á.
Hai CLB Incheon United và Gwangju FC thuộc quyền sở hữu của thành phố thậm chí đang gặp khó khăn tài chính và cầu thủ không được trả lương đúng hẹn.
Các CLB khác từ mạnh nhất tới yếu, đều đang phải cắt giảm ngân sách xây dựng lực lượng, dù đó là cốt lõi của đội bóng.
Kết quả là trong các năm qua, những ngôi sao sáng nhất đang dời bỏ K-League, để đến Trung Quốc tìm kiếm các mức lương cao hơn.
Theo Lee, một cựu cầu thủ K-League từng tỏa sáng ở PSV Eindhoven và Tottenham thì cách tốt nhất để cứu K-League lúc này là đại thanh lọc những bộ phận tham nhũng, từ gốc đến ngọn để tìm lại niềm tin từ NHM.
Không lâu sau lời kêu gọi của Lee, một cơ quan chống tham nhũng trong bóng đá Hàn Quốc được thành lập, gọi tắt là CFA.
Kế hoạch của CFA chưa được công bố, nhưng Lee nhấn mạnh rằng cần phải quét sạch nạn tham nhũng ở K-League, thay vì chỉ tìm ra vài miếng giẻ bẩn rồi lại bưng bít tất cả.
Trở lại với Xuân Trường, giờ thì NHM Việt Nam có thể hiểu rõ hơn phần nào việc Incheon United bạo chi 300.000 USD để mượn tài năng HAGL trong 2 năm.
Đó là cách CLB này tuyệt vọng để tìm thêm NHM từ Việt Nam, khi khán giả Hàn Quốc đã quay lưng.
Phía CLB Hàn Quốc cũng đã chia sẻ mức lương của Xuân Trường sẽ tùy thuộc vào đóng góp, chứ không cố định ở 1 con số.
Điều này có thể hiểu theo nghĩa tiêu cực rằng nếu ít cống hiến, Xuân Trường sẽ chẳng thể tiêu tốn nhiều ngân sách vốn đã eo hẹp của Incheon.
Đó là chưa kể, tại Hàn Quốc, Xuân Trường còn có thể bị chậm lương.
Không hiểu trước khi ký hợp đồng cho mượn Xuân Trường, bầu Đức đã tìm hiểu các vấn đề nói trên hay chưa.
Nhưng xem ra, Xuân Trường vẫn chưa thực sự được thi đấu ở một môi trường chuyên nghiệp và tốt đẹp!