Ancelotti mang gì tới Kinh Điển?
Ancelotti không lạ gì Barcelona. Mùa 2005-06, ông nắm một AC Milan kiêu hùng đang trên đỉnh Châu Âu, chỉ thất bại trước Barca vì bàn thắng hợp lệ của Shevchenko bị tước. Đó là Barca của Ronaldinho và Frank Rijkaard. Mùa 2012-13, Ancelotti cầm PSG gặp Barca ở tứ kết, và cũng thất bại đầy tiếc nuối. Đó là Barca của Messi và tiqui-taca.
Như vậy, ông đã đương đầu với đầy đủ hai triết lý bóng đá của đội bóng xứ Catalunya trong kỷ nguyên thành công nhất lịch sử đội bóng này. Hôm nay, số mệnh buộc ông phải tiếp tục làm mới mình thêm một lần nữa. Barca đang mang triết lý mới mang tên Tata Martino.
Một vị HLV gặp Barca ba lần, với ba triết lý khác nhau thì phải cỡ một HLV sừng sỏ như “Carlo đại đế”! Nhưng nếu ông đã có trong tay một Milan hay PSG đã định hình, thì ở Real, ông không được may mắn như thế. Real Madrid bây giờ vẫn chưa định hình.
Ancelotti vẫn đang loay hoay giữa hai sơ đồ 4-3-3 và 4-2-3-1. Sự xuất hiện của G.Bale đã làm đảo điên tất cả các kế hoạch mà người đàn ông Ý này xây dựng trong suốt mùa hè trên đất Mỹ. Mùa hè, Ancelotti cho Real đá với sơ đồ cây thông 4-3-2-1 hoặc 4-3-1-2, tấn công trung lộ với các “play maker” Oezil, Modric, Isco. Khi Bale đến và Oezil đi, Carletto phải đập đi xây lại. Và phương án 4-3-3 cùng 4-2-3-1 được hình thành và xoay tua. Có Bale đá kiểu gì, không có Bale đá kiểu gì? Điều ấy cũng phần nào lý giải cho sự chệch choạc của Madrid từ đầu mùa giải. Barca của một Tata Martino "đã gõ đúng nốt để bản nhạc hay hơn", như Bartra nhận xét, hiển nhiên không thể tầm thường.
Không chỉ chiến thuật, vấn đề con người cũng khiến Ancelotti đau đầu. Benzema đã chạm đáy của sự thất vọng. Nhưng vị trí tiền đạo cắm giao cho Morata vẫn tiềm ẩn rủi ro, khi anh vẫn là một cầu thủ ở độ tuổi U21. Việc Isco đột ngột dự bị ở trận đấu với Juventus còn Modric được đưa lên nhô cao, khiến bản thân người hâm mộ Real cũng phải đặt câu hỏi về vị trí của hai cầu thủ hạt nhân này cho trận El Clasico. Những dấu hỏi to tướng trên đầu Ancelotti, theo ông đến Camp Nou!
Bale có, Bale không
Phải khẳng định ngay rằng, người viết không muốn Bale ra sân. Real không cần Bale. Bale đến Madrid quá muộn. Khi các cầu thủ đã vào guồng thì anh xuất hiện. Anh tập luyện quá ít. Anh phá cấu trúc đội hình. Nếu trước những đội bóng nhỏ, anh còn cuống cuồng cầm bóng chạy và... để mất, thì sức ép của 100 ngàn cules trên CampNou đủ biến anh thành “kẻ vô hình”.
Nhưng 86 triệu bảng không phải là đồ chơi trên ghế dự bị. Bale phải có, để trận “El Clasico” xứng đáng là “vườn hoa sao rơi”. Nơi hội tụ những siêu sao sáng giá nhất bầu trời thế giới, từ những tên tuổi đẳng cấp là Messi, Ronaldo, Iniesta, cho đến hai ngôi sao mới là Bale và Neymar. Bale phải có, để trận “El Clasico” làm nền tảng cho anh ra mắt chào cả thế giới, để gián tiếp khẳng định chủ tịch Florentino Perez đã không sai trong mùa hè điên rồ vừa qua. Bale phải có, vì đơn giản anh cần phải góp mặt với những giá trị kim tiền mà anh đang mang, những kỳ vọng, những nghi ngờ, những lo lắng, những dè bỉu.
Vậy thì Gareth Bale, đứng thẳng lên và chiến đấu đi!
Barca có gì mà sợ?
Nếu xem lại lịch sử đối đầu gần nhất giữa 2 đội, các Madridistas hoàn toàn có thể tự tin. Trong 7 trận đối đầu gần nhất, thành tích của Real Madrid trước Barcelona là 1 thua, 2 hòa và 4 thắng. Quá ấn tượng so với cái thưở lầm than mà họ phải chịu những thất bại với tỉ số 0-5, 2-6. Real Madrid đã tìm ra chiến thuật khắc chế được tiqui-taca. Trong khi Barcelona vẫn đang trong thời kỳ tạm gọi là “quá độ” từ tiqui-taca đi lên “Tata Martino”, nên Real Madrid hoàn toàn có thể tự tin đá theo chiến thuật mà họ đã từng dùng để khắc chế sơ đồ ma mị này. Đó là phong tỏa và triệt tiêu khoảng trống của những Xavi, Busquest, Iniesta, Messi.
Vậy có điều gì khác so với các trận “El Clasico” gần 2 năm qua, kể từ tháng 04/2012: ngày “Los Blancos” khiến “gió xoay chiều”? Real Madrid hôm nay không còn là “Real Moudrid” của “Người đặc biệt”. Cùng với việc Tata Martino đang cố gắng kéo Barca ra khỏi lối mòn của tiqui-taca, chiến thuật đã bị quá nhiều đội bắt bài được, thì rõ ràng Ancelotti vẫn còn rất nhiều điều đau đầu.
Mourinho ra đi, những “công và tội” của “Người đặc biệt” làm và gây cho Madrid đã là quá khứ, phù du như cơn gió cuốn trôi bao ngày. Nhưng điều tốt nhất mà “Người đặc biệt” đã làm cho Madrid, ông đã đưa lại sự tự tin cho các cầu thủ Real Madrid, rằng họ có thể thắng được Barcelona. Qua rồi những trận cầu mà Real Madrid như một con ếch bị "rắn Barca" thôi miên: tháng 4 vừa rồi, họ dùng đội hình 2 vẫn gieo sầu được cho Barca! Qua rồi những ngày Mou phải dùng mánh khóe và miệng lưỡi, mượn cả UNICEF để gây sức ép lên Barca! Real đã trưởng thành hơn nhiều. Tiqui-taca đã "cũ" hơn. Sự quen thuộc với lối chơi ấy là lợi thế của Real!
Hãy nhìn Ronaldo, người đã nã vào lưới Barca tới 12 bàn cả thảy, dù trước đó anh hoàn toàn bị khớp khi đối đầu với Barca. Một câu chuyện nhỏ, sáng hôm qua, tờ Sport, tờ báo rất thân Barca đã đưa lên trang nhất bức hình Pique-Puyol cùng dòng tít “Chiến dịch anti-Ronaldo của FC Barcelona”. Barca sợ? Không chắc. Nhưng đảm bảo, đấy là một sự "ghi nhận" lớn lao của đối thủ dành cho chàng trai 15 lần khiến họ khóc hận chỉ trong 12 trận đầu mùa.
Barca đứng đó, Real tới đây!