Arsenal và nỗi buồn của bóng đá Việt Nam

Đời sống bóng đã nóng và sẽ còn tiếp tục nóng, không phải bởi những diễn biến tại V.League hay kỳ Đại hội sắp diễn ra ở VFF, mà nó tăng nhiệt bởi sự kiện CLB Arsenal đến Việt Nam với đội hình mạnh nhất để chơi trận cầu giao hữu với đội tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình sau khi sự kiện này được chính thức khẳng định tại buổi họp báo mới diễn ra.

Bản thân danh tiếng của Arsenal đã đủ sức nóng đối với các CĐV, nhưng điều mà nhiều người bắt đầu chờ đợi, đó là mức giá vé của sự kiện này có phù hợp với nhu cầu “giải khát” của công chúng và cả khả năng sở hữu tấm vé vào sân trước dự báo cầu nhiều hơn cung.

Các nhà tổ chức tuyên bố giá vé sẽ hợp lý, nhưng hợp lý theo chiều hướng so với đẳng cấp của đội bóng đến từ nước Anh hay hợp lý so với bối cảnh kinh tế và thu nhập của người Việt, thì vẫn còn là một dấu hỏi phải chờ đợi.

Arsenal và nỗi buồn của bóng đá Việt Nam
 

Cũng đã có những dư luận gắn kết sự kiện Arsenal đến Việt Nam với cuộc chạy đua vào chức danh Chủ tịch VFF nhiệm kỳ sắp tới như một cách “đánh bóng thương hiệu” cho một ứng cử viên. Nhưng trước khi điều đó được “giải mã”, thì với những nhà kinh doanh kỳ cựu, thì đây là thương vụ mà khả năng lỗ về kinh tế gần như được loại trừ, bởi trước khi nghĩ đến điều gì đó xa xôi, túi tiền của họ vẫn là mối quan tâm trước tiên. Ngoài ra, thời điểm diễn ra đại hội của VFF trước cả tháng so với thời điểm Arsenal đến Việt Nam.

Trong khi câu chuyện Arsenal đến Việt Nam trở thành đề tài nóng, thì câu chuyện quanh chiếc ghế Chủ tịch HĐQT VPF trong mối quan hệ với ĐTLA và Kiên Giang bắt đầu nguội. Sự nguội không phải bằng việc một số người chán hẳn sau những lời giải thích vòng vo của ông Chủ tịch VPF trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 9-5 vừa qua. Cái sự nguội là bởi một thực tế đang trở nên rõ ràng hơn đối với bóng đá, đó là nếu nhiều doanh nghiệp tiếp tục buông tay ra vào lúc này, thì bóng đá chơi với ai và ai chơi bóng đá sẽ tiếp tục là mệnh đề nan giải.

Có thể hiểu thông điệp về khả năng mà ông Võ Quốc Thắng đề cập đến là Đồng Tâm Group rút vốn khỏi CLB ĐTLA và trả CLB về cho địa phương, giống như tín hiệu “buông tay” nhiều hơn là giải pháp để chứng minh những sự không liên quan của ông đến các CLB.

Bởi một điều đơn giản là ông Thắng ngồi lên ghế Chủ tịch HĐQT của VPF từ vị trí một ông bầu của CLB chứ không phải là một người ngoại đạo, và nếu như ĐTLA không còn là của ông nữa, thì có lẽ cái ghế Chủ tịch HĐQT của VPF cũng không còn có ý nghĩa gì để níu kéo.

Dù vậy, vấn đề một ông chủ với những mối liên quan đến nhiều CLB trong cùng một giải đấu có nguội đến mức mà người ta cần phải chấp nhận đặt những chế định của quy chế sang một bên để duy trì bề nổi của bóng đá trong thời điểm khó khăn này hay không, vẫn sẽ là đề tài chưa kết thúc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại