1. Vài ngày gần đây, có một cái tên đang gây xôn xao dư luận Arsenal – một cựu Pháo thủ. Anh tên là Abu Issa Al-Andalusi.
Abu đã rời sân Emirates 2 năm và hiện anh đang… cầm súng chiến đấu tại chiến trường Syria. Abu tham dự vào hàng ngũ các chiến binh thánh chiến của tổ chức Jihadi, chiến đấu “để bảo vệ trẻ em khỏi tay những động vật ăn thịt và những kẻ dơ bẩn” (nguyên văn lời của Abu). Cầu thủ tự nhận mình trưởng thành cùng lò đào tạo với Cristiano Ronaldo cho biết, anh đi theo tiếng gọi của thánh Allah. Abu chấp nhận từ bỏ cuộc sống mà anh miêu tả là “xa hoa, sạch sẽ ở London để đến một nơi bẩn thỉu, nguy hiểm và đói kém”.
Câu chuyện của một chiến binh tận Syria không xuất hiện một cách vô nghĩa trên mặt báo Anh. Nó nhắc nhở Arsenal một điều: Họ đã từng sở hữu những cầu thủ dũng cảm, hết mình theo đuổi thứ mà anh tôn thờ.
2. Đó chính là cá tính mà Arsenal không hề có. 8 năm đã qua, năm nào Arsenal cũng nêu cao tinh thần chấm dứt cơn hạn hán danh hiệu, nhưng họ chưa bao giờ thực sự có được tinh thần của Abu Issa Al-Andalusi, dồn hết sự dũng cảm để đuổi bắt đến cùng giấc mơ của mình.
Arsenal đã từng vào tới chung kết Cúp Liên đoàn, nhưng sự hời hợt của họ đã tạo điều kiện để Birmingham có được vinh dự vô địch. Ngay mùa này, đã từng có thời điểm Pháo thủ nói rất nhiều điều về chức vô địch, khi họ trình diễn một lối chơi mê hoặc. Nhưng rồi cũng giống như một căn bệnh nan y: Chưa bao giờ người ta cảm nhận được Pháo thủ thực sự hết mình chạy theo giấc mơ.
Ozil - người được coi là thủ lĩnh mới ở sân Emirates thì còn đặc biệt yếu về tinh thần!
Các cầu thủ Arsenal luôn được ông thầy Arsene Wenger truyền vào đầu cách phải rê dắt quả bóng thế nào, phải đập nhả ra sao, phải nêu cao tinh thần cống hiến như những quý tộc chơi bóng. Nhưng Wenger có lẽ đã không cập nhật những giáo trình tiên tiến của bóng đá hiện đại.
Ở đó người ta dạy các cầu thủ dùng tư duy làm chủ tất cả. Một cầu thủ có thể không cần tài năng thiên bẩm, nhưng anh ta buộc phải giữ được sự bình tĩnh, lạnh lùng trong bất kỳ tình huống nào. Anh ta được chỉ một cái đích, và dạy rằng, phải chạy cái đích đó cho đến tận hơi thở cuối cùng. Gọi nôm na, đó là sức mạnh tinh thần.
Arsenal không có được thứ sức mạnh ấy. Cái giáo án mỹ miều của Wenger dường như dạy các cầu thủ rằng, khi mọi thứ không đi theo những gì họ tính toán trước, họ dễ dàng trở nên suy sụp và chán nản.
Tại Premier League mùa này, quá nửa số trận đấu lớn mà Arsenal thi đấu họ bị thủng lưới trước phút 17. Đó là hình ảnh rất tiêu biểu cho thấy sự kém cỏi về mặt tinh thần của những chiến binh tự nhận mình là Pháo thủ. Thái độ nhập cuộc luôn đại diện cho tinh thần mà một CLB thể hiện trong cả trận đấu đó, và khi Arsenal dễ dàng bị đối phương ghi bàn từ rất sớm, một cách thường xuyên, có nghĩa là sự yếu đuối về mặt tinh thần của họ đã trở thành một căn bệnh rất nan giải rồi.