Cô bé Diệu bán bánh bò để có áo mặc tết
Lên TP. HCM để nhận giải thưởng We Choice Awards 2015 thay cho con gái của mình đang bận tập huấn ở Mỹ, ông Nguyễn Văn Tác - ba của Ánh Viên, với cách nói chuyện dân dã, mộc mạc của người miền sông nước Nam Bộ không giấu được sự xúc động khi bước vào nhận phòng ở khách sạn.
"Vợ chồng tôi quanh năm cũng chỉ làm vườn, chẳng đi đâu, nhìn cái thang máy mà xa lạ quá.
Nếu không có Viên, thì chẳng biết đến bao giờ tôi mới được vào những nơi sang trọng như thế này", ông Tác nói đầy xúc động nhưng mộc mạc của người dân quê.
Bố Ánh Viên (áo xanh) trong đêm Gala trao giải We choice Awards 2015
Trong câu chuyện dài kể về cô con gái, ông Tác nhiều lần phải ngắt quãng, cố kìm nén cảm xúc.
Rất nhiều lần, ông nhắc đi nhắc lại điều ông tự hào nhất về con, không phải những tấm huy chương vàng, những danh hiệu đã mang về cho tổ quốc, mà hơn cả là ý chí, nghị lực dường như là bẩm sinh của cô gái sinh năm 1996.
Ông Tác cho biết, hình ảnh ông nhớ nhất và tự hào nhất về con gái mình không phải là hình ảnh Ánh Viên đã chinh phục những đường bơi, phá những kỷ lục, mà đó là cô bé Diệu mới 7 tuổi, cứ mỗi buổi đi học về lại vội vàng cắp thúng bánh bò của bà nội, đi bán rong khắp làng, khắp xóm.
"Cứ mỗi bữa bán như thế, nó lại bỏ vào con heo đất 2 đến 5 nghìn đồng, rồi dành dụm lại đến cuối năm lấy tiền đó đi mua áo mới mặc tết cho bằng bạn, bằng bè.
Có bữa, nhà trường thông báo tiền học, cháu không nói với gia đình mà tự đập heo đất, tôi hỏi thì cháu bảo: Con định đập heo đóng tiền học mà không đủ rồi ba ơi!"
Nói đến đây, ông Tác khựng lại, mắt ngấn lệ, rồi kể tiếp: "Hồi năm 2011, cháu nhận được tiền thưởng là 400 triệu đồng, cháu đưa hết cho mẹ, rồi sau đó lại nó nhỏ coi bộ khó xử lắm, bảo là mẹ cho con xin 2 triệu, con đi đãi các bạn bè trong đội.
Nói thật, nhà tôi mừng vì cháu nhận được thưởng 1, mà xúc động vì nghe được câu nói đó của cháu gấp 10 lần. Bởi nếu như người khác, tiền ấy là tiền của cháu, cháu thích lấy bao nhiêu thì lấy, ai mà biết được.
Cũng vì thế, mà bao nhiêu tiền thưởng của cháu, gia đình vẫn giữ sổ tiết kiệm mà không đụng đến đồng nào, vì đó là tiền mồ hôi nước mắt của con.
Gia đình tôi bây giờ vẫn làm vườn kiếm đồng ra, đồng vào vẫn thấy vui vì con mình lúc nào cũng nghĩ đến ba mẹ. Viên dù có lớn và nó được bao nhiêu huy chương, thì trong mắt tôi cháu vẫn là bé Diệu của ngày nhỏ."
Khoảng trống đằng sau tấm huy chương
Từ năm lên 9 tuổi, sau khi giành được huy chương vàng ở cuộc thi cấp Thành phố, Ánh Viên bắt đầu làm quen với cuộc sống xa gia đình.
Ông Tác vẫn còn nhớ như in lần cuối cùng con gái của mình nhận thông báo lên thành phố nhận thưởng và được nhận vào Quân khu 9 để huấn luyện chuyên nghiệp:
"Bữa ấy, buổi lễ diễn ra vào chiều, nhưng buổi sáng Viên vẫn nói với bà nội rằng, nội cứ để con đi bán hết giỏ bánh bò này đến xế trưa rồi về đi nhận giải thưởng là kịp."
Ánh Viên đón tết cùng gia đình năm 2008, cũng từ đây cô thường xuyên phải xa gia đình và đã trải qua 4 năm liên tiếp không được đón tết ở Việt Nam.
Từ giỏ bánh bò cuối cùng ấy, thời gian Ánh Viên có mặt ở nhà cho đến nay ngót cả chục năm cũng chỉ trên đầu ngón tay.
"Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kẻ thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới ngày mai.
Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì" - Ánh Viên.
"Nhiều lúc cháu đến tuổi dậy thì, lại là con gái, gia đình tôi lo lắm. Nhưng lần nào bảo thì cháu cũng nói là cha cứ yên tâm, con lo được hết.
Suốt 4 năm qua, chưa một lần cháu được ăn tết cùng gia đình... Nhưng ý chí, nghị lực của cháu ghê gớm lắm, nên dù có buồn, gia đình cũng cố gắng để con thoải mái nhất tập trung cho sự nghiệp", ông Tác ngậm ngùi.
Sau khi SEA Games 28 kết thúc, Ánh Viên chỉ có duy nhất 1 ngày về thăm gia đình, sau đó ra Bắc vào Nam để tham gia công việc tập luyện của mình. Ngay cả điện thoại, cũng rất ít liên lạc, trong khi cả Ánh Viên lẫn gia đình đều không thông thạo internet.
"Bà con hàng xóm cứ trách tôi, sao con đi thi lại không đến xem cùng. Nhưng tôi nghĩ, có gia đình đi cùng, biết là cháu mừng, nhưng lại gây áp lực tâm lý cho cháu.
Hồi giải hội khỏe TDTT toàn quốc ở Nam Định, tôi cũng có ra, nhưng không tiếp cận mà chỉ đến xem cháu thi đấu như một khán giả bình thường để cháu tự lực thi đấu. Tôi biết, con tôi giỏi nhất là khả năng tự lập."
Quả thực, với một cô gái mới chưa đến tuổi 20 như Ánh Viên mà đã phải chấp nhận hy sinh rất nhiều thứ trong đó cả tình cảm cá nhân, gia đình, chưa kể những khó khăn vô cùng lớn trong tập luyện thì mới thấy giá trị mà những tấm huy chương cô mang về được cho tổ quốc lớn đến cỡ nào.
Ông Tác không nói ra, nhưng nhìn khuôn mặt và cách ông nói chuyện về con gái của mình cũng đủ hiểu, dù không thường xuyên gặp con để có thể chăm sóc, bao bọc như những người cùng trang lứa khác thì ông Tác và gia đình đặt vào Viên một thứ niềm tin tuyệt đối.