Trong một cuộc trao đổi mới nhất với báo chí, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định rằng, cho đến thời điểm này VFF vẫn tin tưởng HLV Hoàng Văn Phúc, và đánh giá ông là người phù hợp nhất cầm quân ĐT. Ông Hỷ thậm chí còn phân tích theo hướng: Ngay cả khi cho rằng trận thua Hồng Kông của ĐTVN ít nhiều đến từ lỗi dùng người của ông Phúc như một bộ phận báo chí đánh giá, thì đấy cũng là một trải nghiệm hết sức cần thiết với nhà cầm quân này trước những trận đánh lớn sắp diễn ra. Tóm lại từ phía ông Chủ tịch VFF, đèn xanh đã bật hoàn toàn cho ông Phúc.
Nhưng lịch sử BĐVN cho thấy có rất nhiều thời điểm ông chủ tịch “bật đèn xanh” nhưng sau đó, vì những lý do tế nhị nào đó mà “tín hiệu xanh” lại nhanh chóng chuyển sang… đèn đỏ. Hậu SEA Games 26, khi ĐT U.23 QG của thầy Đức Flako Goetz thất bại te tua, và khi một làn sóng đòi sa thải Falko Goetz xuất hiện rầm rộ, chính ông Chủ tịch VFF khẳng định: “không sa thải Falko Goetz”.
Nhưng khi sức ép từ dư luận, và từ cả Tổng cục TDTT đòi VFF phải “tổng mổ xẻ” thất bại này, thậm chí có những áp lực nhất định đòi cả Chủ tịch VFF lẫn TTK VFF phải từ chức, thì tình hình lại xoay chuyển nhanh tới không tưởng.
Sau một cuộc làm việc rốt ráo, nóng bỏng với 4 thành viên còn lại trong thường trực, chính Chủ tịch VFF lại quay ra bảo: “Phải có người chịu trách nhiệm với thất bại này chứ”, và khi ông Hỷ nói thế, nghiễm nhiên người ta hiểu Falko Goetz phải ra đi.
Những gì diễn ra sau thất bại của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2012 cũng vậy. Thoạt tiên, ông Hỷ lên tiếng bênh vực Phan Thanh Hùng, và cho biết nếu chỉ vì một thất bại bước đầu mà đã vội vã sa thải Phan Thanh Hùng thì sợ không có thầy nội nào dám nhận ĐT. Nhưng sau những cuộc họp nội bộ, nơi mà một Phó chủ tịch quyền lực trong ngôi nhà VFF… lên án phương pháp cầm quân của Phan Thanh Hùng không thương tiếc, thì Chủ tịch VFF dường như cũng không đủ lý luận để bảo vệ người mà trước đó chính mình từng bảo vệ.
Thực tế thì với lòng tự trọng vốn có của mình, HLV Phan Thanh Hùng đã chủ động từ chức, nhưng những người trong cuộc hiểu rằng nếu có sự đảm bảo thực sự mạnh mẽ của người đứng đầu VFF, chắc chắn ông Hùng đã không ra đi nhanh chóng, ê chề như vậy.
So với trường hợp của hai người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng và Falko Goetz, trường hợp HLV Hoàng Văn Phúc hiện nay có sự khác biệt rất lớn. Đó là xét cho cùng, ĐTVN của ông Phúc chỉ thua ở một trận đấu tại một giải đấu, mà ngay từ đầu chúng ta đã xác định là “đá để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm”, chứ không thua ở những sân chơi chết người như SEA Games hay AFF Cup. Ông Phúc cũng có lợi thế hơn những người đồng nghiệp của mình ở chỗ, thời điểm này nếu sa thải ông, VFF khó tìm một HLV nội đủ dũng cảm ngồi vào ghế nóng.
Nhưng những thông tin hậu trường cho hay, bất chấp những lợi thế như vậy, bất chấp cả việc có được sự đảm bảo công khai từ Chủ tịch VFF, khả năng ông Phúc chia tay ĐT vẫn không phải là không có. Lý do nằm ở chỗ, BĐVN đang kêu gọi một số doanh nghiệp Nhật Bản nhảy vào hỗ trợ các CLB trong thời buổi kinh tế khó khăn, và trong “làn sóng Nhật Bản” đang âm thầm xuất hiện, ý tưởng mời một HLV người Nhật dẫn dắt ĐTVN lại được xới lên.
Thậm chí còn có thông tin nói rằng, nhân vật nào tạo ra một cú đấm quyết định, đột biến trong việc tìm người ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐT, chắc chắn nhân vật ấy sẽ có ưu thế lớn trong cuộc bầu bán tại Đại hội VII VFF sẽ diễn ra vào tháng 6.
Cảm giác như một trận thua bất ngờ trước Hồng Kông đã làm vỡ nhiều kịch bản. Và từ một kịch bản bị vỡ, người ta hiểu, bài toán nhân sự cho ĐTVN, và cho cả VFF trước một kỳ Đại hội mới khả năng sẽ có những cú trở cờ không tưởng
Chờ xem!