Không phải chỉ đến sau khi ĐT Thái Lan thắng thuyết phục ĐT Việt Nam 3-0 tại Mỹ Đình ở loạt trận thứ 4 bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á, người hâm mộ mới nhận ra rằng đội tuyển xứ chùa vàng đã trên tầm thầy trò Miura rất nhiều, mà thực tế là trong khoảng 2 năm trở lại đây, nền bóng đá của người Thái đã phát triển mạnh mẽ, vượt ra khỏi “ao làng” Đông Nam Á.
Những thành tích đáng khích lệ của ĐTQG rồi các tuyến trẻ tại các giải tầm cỡ châu lục khiến họ bắt đầu mơ về ngày bước ra sân chơi thế giới.
Hãy xem, từ cấp độ U16 cho tới U19, U23 và ĐTQG, Thái Lan đều độc tôn ở khu vực. Tại giải U16 Đông Nam Á, họ thắng U16 Australia ở bán kết và vùi dập U16 Myanmar 3-0 ở chung kết.
Tới giải U19 Đông Nam Á, U19 Thái Lan thắng đậm U19 Việt Nam 6-0 ở trận cuối cùng. Cấp độ U23, U23 Thái Lan 2 năm liên tiếp đoạt HCV SEA Games và từng vào tới bán kết Asiad 17 hồi năm ngoái… ĐTQG của họ thì vừa vô địch AFF Cup 2014.
Còn giải VĐQG Thái Lan (Thai Premier League) bây giờ ư? Họ đã từ lâu trở thành giải đấu số 1 khu vực, bỏ xa V.League của Việt Nam về chất lượng và độ hấp dẫn.
Thậm chí, với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ một vài năm nữa thôi, Thai Premier League sẽ ngang tầm với K-League (Hà Quốc), J-League (Nhật Bản), A-League (Australia) hay C-League (Trung Quốc)…
Vậy ai là người có công lớn nhất trong quá trình nâng tầm bóng đá Thái Lan, giúp họ thoát ra khỏi “ao làng” Đông Nam Á và giờ đặt mục tiêu tham dự VCK World Cup 2018 tại Nga?
Lâu ngay, nhiều người hâm mộ vẫn cho rằng đó là Chủ tịch Worawi Makudi của LĐBĐ Thái Lan (FAT) hoặc HLV Kiatisak Senamuang – người hiện dẫn dắt ĐT Thái Lan và U23 Thái Lan, nhưng thực tế thì không phải vậy.
Người giữ vai trò trọng yếu chính là doanh nhân thành đạt Ong-Arj Kosinkar.
Giai đoạn 2008-2010, khi bóng đá Thái Lan tụt dốc bằng những thất bại liên tiếp của ĐTQG lẫn U23 ở cấp độ SEA Games và AFF Cup, trong khi giải VĐQG Thái Lan trì trệ, bị những nền bóng đá khác trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Indonesia bắt kịp… các quan chức có trách nhiệm đã phải ngồi lại để tìm ra một hướng đi mới.
Lúc bấy giờ, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Thái Lan là Ong-Arj Kosinkar đã đưa ra một quyết định gây sốc khi “từ quan”.
Không phải vì vị doanh nhân thành đạt này cảm thấy mình không có năng lực lãnh đạo, mà bởi ông muốn dành toàn thời gian sang Anh học hỏi kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp.
Bằng nguồn kinh phí cá nhân cùng với mối quan hệ sẵn có từ trước với Liên đoàn Bóng đá Anh (FA), ông Ong-Arj Kosinkar đích thân đi kiểm chứng cách vận hành của Giải đấu Ngoại hạng Anh (EPL), mối quan hệ giữa EPL và FA cũng như EPL và các CLB trong giải đấu.
Không chỉ vậy, nguyên Tổng thư ký FAT còn đến trao đổi với các CLB nổi tiếng như M.U, Chelsea, Arsenal, Liverpool… để tìm cách thức kinh doanh và điều hành của từng CLB theo những điều kiện khác nhau.
Khi về nước, qua hàng loạt hội thảo chuyên đề liên quan đến bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan với sự tham dự của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, Tổng cục Thể thao Thái Lan, FAT, Ban huấn luyện ĐT Thái Lan cùng đại diện của các CLB bóng đá ở giải Thai Premier League và League One, nền bóng đá Thái Lan bắt đầu có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ.
Sân bóng đá của các đội SCG Muangthong United, Buriram, Bangkok Glass… trở thành những sân chuyên biệt dành cho bóng đá; các ngoại binh được thuê về đều phải dựa trên tiêu chí chơi kỹ thuật, chứ không băm bổ, chỉ biết chạy và phá bóng; khán giả được tạo điều kiện thuận lợi về giờ giấc theo dõi; truyền hình được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo mô hình của giải EPL..
Điều quan trọng nhất là, khi được sự đồng thuận của FAT và các CLB bóng đá Thái Lan, cũng như được tiến cử làm Chủ tịch Công ty Thai Premier League, đơn vị điều hành giải đấu cao nhất Thái Lan, ông Ong-Arj Kosinkar đã liên hệ với lãnh đạo EPL để nhượng quyền cách thức tổ chức giải đấu theo tiêu chuẩn quốc tế…
Ông Ong-arj Kosinkar ước tính hơn 3,5 tỷ baht, tức là xấp xỉ 100 triệu USD đã chảy vào tài khoản của giải đấu số 1 xứ Chùa vàng kể từ năm 2010 tới nay.
Trong vài mùa giải gần đây, thu nhập hàng năm của giải đấu đã nhích dần lên mức 800 triệu baht.
Các khoản thu nhập bao gồm tiền BQTH (bán cho TrueVisions) trị giá 600 triệu baht, 100 triệu baht từ nhà tài trợ chính Toyota và khoảng 100 triệu baht từ các nhà tài trợ khác…
Khi mà các CLB đã rủng rỉnh trong chi tiêu, họ có thể tự dùng tiền túi để thuê các ngoại binh chất lượng, đầu tư vào công tác đào tạo trẻ, đưa các cầu thủ ra nước ngoài tập huấn hay thuê các chuyên gia hàng đầu về phục vụ đội bóng…
Điều này nghiễm nhiên giúp cho mặt bằng bóng đá Thái Lan được nâng lên nhanh chóng, và từ đó, các cấp đội tuyển có thể dễ dàng lựa chọn các cầu thủ hàng đầu.
Thậm chí, các đội bóng có ngôi sao tập trung cùng các ĐTQG cũng luôn cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất để ngôi sao ấy có thể thoải mái cống hiến…