Để vuột mất tấm HCV marathon nam mà Hoàng Nguyên Thanh nắm giữ hồi năm ngoái, cộng thêm ngôi vô địch cự ly đi bộ 20 km nam tuột khỏi tay bộ đôi Võ Xuân Vĩnh - Nguyễn Thành Ngưng, điền kinh Việt Nam ngay trong ngày thi đấu chính thức đầu tiên của SEA Games 32 đã nhận về những kết quả không như mong muốn.
Điền kinh mất ngôi
Việc "nữ hoàng đi bộ" Nguyễn Thị Thanh Phúc lần thứ 5 vô địch SEA Games ở cự ly 20 km không đủ sức xóa nhòa hình ảnh nhọc nhằn của Lê Thị Tuyết, Hoàng Nguyên Thanh khi họ vất vả giành HCB hoặc HCĐ, trong khi "tiểu tướng" Nguyễn Thị Ninh phải thở bằng bình ôxy khi về đích nội dung marathon.
Những tổng kết của các nhà quản lý thể thao Việt Nam (TTVN) đều cho rằng chính sự đánh giá thiếu chính xác về điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Siem Reap là nguyên nhân khiến các nội dung chạy dài của điền kinh Việt Nam sớm thất thủ. Ngay cả khi quay về Phnom Penh thi tài ở tổ hợp Morodok Techo, các VĐV Việt Nam vẫn phải chịu cảnh sốc nhiệt, dầm mưa bên cạnh việc phải đương đầu dàn ngoại binh nhập tịch hoặc những VĐV ăn tập quanh năm ở nước ngoài của Thái Lan, Campuchia, Singapore…
Nguyễn Trung Cường giành HCV điền kinh duy nhất của nam tại SEA Games 32. (Ảnh: ĐĂNG HẢI)
Nguyễn Thị Huyền vuột tấm HCV 400 m nữ do bị xếp sai làn chạy. Nguyễn Hoài Văn đang khấp khởi chờ giành HCV ném lao thì trời đổ mưa khiến lao trơn, bước đà thiếu cảm giác, kém lại đối thủ Indonesia chỉ 5 cm. Lương Đức Phước không tin anh bị VĐV chủ nhà Chhun Bunthorn tăng tốc qua mặt trong gần 200 m cuối dù cự ly thi đấu chỉ 800 m…
Mất hàng loạt VĐV nữ gạo cội do dính doping nhưng điền kinh Việt Nam lại gần như trắng tay ở các nội dung của nam, với duy nhất Nguyễn Trung Cường thành công ở 3.000 m vượt chướng ngại vật. Chính màn trình diễn tuyệt vời của các nữ tuyển thủ đã giúp điền kinh lấy lại phần nào niềm tin nơi người hâm mộ khi chung cuộc bị mất ngôi nhất toàn đoàn đã nắm giữ suốt 3 kỳ đại hội trước.
Ba kỳ SEA Games liên tiếp thống trị các cự ly 1.500 m, 3.000 m và 5.000 m vượt chướng ngại vật, Nguyễn Thị Oanh năm nay giành thêm HCV cự ly 10.000 m, truyền cảm hứng đến hàng triệu khán giả Việt Nam lẫn các quốc gia trong khu vực. Bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền rực sáng với cú hat-trick "vàng" 400 m rào, tiếp sức 4x400 m nữ và 4x400 m hỗn hợp. Huỳnh Thị Mỹ Tiên lần đầu về nhất cự ly 100 m rào nữ; "chiến binh thép" Nguyễn Linh Na bảo vệ thành công HCV nội dung gian khổ 7 môn phối hợp... Thú vị nhất chính là sự thống trị tuyệt đối ở các cự ly trung bình và dài khi các cô gái Việt Nam chia nhau về đích nhất - nhì ở tất cả 4 cự ly 800 m, 1.500 m, 5.000 m và 10.000 m!
Chỉ giành tổng cộng 12 HCV, 20 HCB và 8 HCĐ, điền kinh Việt Nam không giữ được ngôi nhất toàn đoàn. Điền kinh Việt Nam đã nhận được những bài học kinh nghiệm đắt giá mà mọi đánh giá tổng kết ban đầu chưa nói hết thực chất về cú sốc thất bại này.
Nhạt nhòa đường đua xanh
Câu chuyện tương tự được thấy ở đường đua xanh cho dù tuyển Việt Nam vẫn giữ được vị trí thứ nhì sau "cường quốc bơi" Singapore. Tại SEA Games 32, đoàn TTVN phá 14 kỷ lục SEA Games nhưng chỉ có 2 kỷ lục bơi của Phạm Thanh Bảo ở 100 m ếch và 200 m ếch. Những thông số thành tích của Bảo vẫn kém rất xa nhóm có huy chương Asian Games.
Nếu trông chờ vào Nguyễn Huy Hoàng ở trọng trách tìm kiếm huy chương cho bơi Việt Nam tại Asian Games thì chúng ta nên âu lo dần. Thành tích của Huy Hoàng tại SEA Games - giành HCV cự ly 1.500 m với 15 phút 11 giây 24 - còn kém rất xa thông số 15 phút 01 giây 63 từng giúp anh đoạt HCB tại Asian Games 2018. Vì thế, nếu không cải thiện thành tích, khả năng Huy Hoàng trắng tay tại Hàng Châu là rất lớn.
Ngoài việc tranh đoạt thành tích tại Asian Games, các kình ngư Việt Nam còn phải lo giành vé đến Olympic 2024. Vì vậy, có thể hiểu tại SEA Games 32, điều Huy Hoàng tiếc nuối nhất sau khi giành HCV 1.500 m chính là chưa đạt chuẩn để giành vé đến Paris 2024. Bởi lẽ, chuẩn A nội dung này là 15 phút 00 giây 99, tức còn cao hơn thành tích HCB của Huy Hoàng cách đây 5 năm.
Vừa giành huy chương Asian Games vừa tranh vé đến Olympic Paris 2024, một nhiệm vụ chẳng đơn giản với các kình ngư Việt Nam.
(Còn tiếp)