KHÔNG PHẢI HAGL, CŨNG CHẲNG PHẢI HÀ NỘI FC
Trong danh sách U23 Việt Nam dự SEA Games 31 vừa rồi, Hà Nội FC là nơi góp quân nhiều nhất, với 7 cái tên. Đứng ở vị trí thứ hai chính là Viettel, với 4 cái tên gồm Nguyễn Thanh Bình, Phan Tuấn Tài, Nguyễn Hoàng Đức và Nhâm Mạnh Dũng.
Không góp nhiều quân số nhất, nhưng Viettel lại là lò "cân team" nhất cho HLV Park Hang-seo ở chiến dịch bảo vệ tấm HCV Đại hội thể thao Đông Nam Á trên sân nhà Việt Nam. Bởi lẽ toàn bộ 4 cái tên của họ, trải đều ở 3 tuyến, đều chơi rực sáng, góp công quan trọng mang về tấm HCV.
Ở hàng phòng ngự, Thanh Bình kết hợp với Việt Anh tạo thành bộ đôi trung vệ cực kỳ vững chắc. Họ là hạt nhân trong chiến tích không thủng lưới bàn nào của U23 Việt Nam.
Bên cánh trái, Phan Tuấn Tài đã chơi cực hay trước cường địch Thái Lan ở trận Chung kết. Ngoài pha kiến tạo cho Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn, cả trận Tuấn Tài cũng liên tục làm khổ các bóng áo xanh bằng kĩ thuật, tốc độ và khả năng tạt bóng chuẩn xác của mình.
Phan Tuấn Tài và 3 cầu thủ Viettel khác đã chơi rất hay ở SEA Games 31.
Còn Nhâm Mạnh Dũng thì chẳng phải nói nhiều rồi! Khi mà cả đàn anh siêu sao Tiến Linh cũng bế tắc, "tịt ngòi" trước U23 Thái Lan, Mạnh Dũng đã có pha đánh đầu cực khó làm tung lưới thủ môn kỳ cựu Kawin, ghi bàn thắng duy nhất của trận Chung kết.
Những năm qua, nếu không phải quân HAGL thì cũng là quân Hà Nội FC thay nhau "gánh team" cho bóng đá Việt Nam ở các giải từ trẻ đến cấp quốc gia. Giờ đây đã có thêm một thế lực nữa hỗ trợ đắc lực cho HLV Park Hang-seo nói riêng, cũng như bóng đá Việt Nam nói chung.
CHÌA KHÓA VÔ HẠN CHO THAM VỌNG CỦA HLV PARK HANG-SEO
HLV Park Hang-seo từng tâm sự, tham vọng lớn nhất của ông là nâng tầm toàn diện được bóng đá Việt Nam, chứ không đơn giản chỉ đoạt lấy danh hiệu này, danh hiệu kia. Chiến lược gia người Hàn Quốc cũng nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam muốn nâng tầm thì cần trông cậy vào đào tạo trẻ.
Ông Park nhận định công tác đào tạo trẻ của Việt Nam những năm qua có phát triển nhưng nhìn chung còn đặt trọng tâm vào vài lò đào tạo lớn, chưa rộng khắp đất nước Việt Nam. Ông mong rằng các lò đào tạo trẻ của Việt Nam sẽ nhiều hơn nữa, rải trên khắp các vùng miền.
Dĩ nhiên, để làm được điều đó cần thời gian và cần phát triển từng bước một. Ở SEA Games 31 này, sự xuất sắc của các tài năng trẻ tới từ Viettel là tín hiệu rất đáng vui mừng. Nó báo hiệu sau những nguồn cầu thủ danh tiếng như HAGL, Hà Nội FC thì giờ đây có thêm một trung tâm chất lượng nữa.
"Mới vài năm trước, nhắc tới tài năng của Viettel, hầu như mọi người chỉ biết đến Bùi Tiến Dũng (trung vệ). Đó là vì chúng tôi bắt đầu làm lại đào tạo trẻ từ năm 2009, lứa đầu tiên là của Bùi Tiến Dũng, Trương Văn Thiết…
Sau đó là lứa Hoàng Đức, Đức Chiến. Rồi sau đó là Hữu Thắng, Nhâm Mạnh Dũng, Danh Trung… rồi tới lứa Phan Tuấn Tài… gần như lứa nào Viettel cũng có được những cầu thủ hạt nhân, đáng chú ý" - Phó giám đốc Trung tâm Viettel - phụ trách đào tạo trẻ Nguyễn Hải Biên chia sẻ.
Bùi Tiến Dũng là ngôi sao khóa một của Trung tâm đào tạo trẻ Viettel.
Theo cựu danh thủ Hải Biên, Viettel đang có một lộ trình rất tốt để đào tạo ra những tài năng cho bản thân CLB, cũng như cho bóng đá Việt Nam.
"Nếu nói Viettel có gì tự hào về trung tâm đào tạo của mình, thì phải nhắc tới Thể Công. Từ các lứa cha chú, rồi đến các anh, sau đó tới chúng tôi và sau đó có rất nhiều. Như Văn Quyết cũng từ Thể Công mà ra, rồi mới sang Hà Nội FC.
Trung tâm đào tạo trẻ của Viettel là sự tiếp nối Thể Công. Chúng tôi đào tạo là hướng về cầu thủ chuyên nghiệp để cống hiến cho CLB rồi cho đất nước, nên tuần tự theo tất cả các cấp độ, không đốt cháy giai đoạn nào. Chúng tôi đào tạo kĩ năng, kĩ thuật tuần tự theo đúng lứa tuổi. Tuổi nào đào tạo cơ bản, tuổi nào đào tạo chiến thuật cá nhân, rồi chiến thuật nhóm, chiến thuật toàn bộ…
Viettel đang liên tục cho "ra lò" những tài năng bóng đá đầy hứa hẹn.
Chúng tôi theo một quy trình rồi, chứ không đốt cháy giai đoạn nào. Đột cháy giai đoạn là kiểu ví dụ như đưa đội U13 hay U15, U17… đi đấu, bắt buộc các em phải mang về thành tích. Có thể vài nơi khác họ đào tạo theo kiểu buộc phải có thành tích tương ứng với cấp độ tuổi, nhưng chúng tôi thì khác.
Nếu mang quân đi đấu, có thành tích thì tốt, còn không có thành tích thì câu chuyện cũng bình thường. Quan trọng là đáp ứng tiêu chí đường dài.
Cựu danh thủ/Phó giám đốc Trung tâm Viettel - phụ trách đào tạo trẻ Nguyễn Hải Biên
Cũng rất may chúng tôi trở lại V.League từ năm 2019, đấy là cái đích đến rất rõ ràng và rất tốt cho các em cầu thủ trẻ. Ngày xưa chúng tôi đá hạng nhì, rồi hạng nhất, nó thấp hơn V.League nên mục tiêu của các em trẻ cũng hơi lấp lửng. Nhưng khi đội lên đá V.League thì các em càng mong muốn trưởng thành hơn để cống hiến cho CLB".
Khi được hỏi, sự đầu tư của Viettel cho đào tạo trẻ như thế nào, cựu danh thủ Nguyễn Hải Biên tự hào nói về trung tâm mình đang làm việc:
"Sự đầu tư cho đào tạo trẻ của Viettel bắt đầu ngay từ cơ sở vật chất. Mọi người dễ thấy Viettel có một trung tâm không dám nói số một Việt Nam nhưng đầy đủ mọi thứ cho đào tạo trẻ cũng như bóng đá chuyên nghiệp rồi.
Khi ở môi trường Viettel, các phụ huynh đều muốn con em vào, như vào HAGL hay Hà Nội FC vậy. Viettel có truyền thống Thể Công rồi, tiếp đó là các đầu tư của lãnh đạo tập đoàn, từ cơ sở vật chất đến khối HLV, các thứ để đáp ứng chuyên môn, rồi giáo án của chúng tôi cũng xuyên suốt từ dưới lên trên".
Trở lại V.League từ năm 2019, những mùa bóng qua, Viettel luôn là một trong các ứng viên hàng đầu cho ngôi vị vô địch. Song song với đó, Trung tâm đào tạo trẻ của Viettel cũng hoạt động cực kỳ hiệu quả, liên tục cho "ra lò" những ngôi sao mới đầy hứa hẹn.
Trong tương lai rất dài phía trước, Viettel sẽ là nguồn cung cấp cầu thủ quan trọng cho các cấp tuyển Việt Nam, cũng như nhiều CLB nếu có nhu cầu. Viettel, giống như HAGL, sẽ là một trong những chiếc chìa khóa vô hạn để HLV Park Hang-seo hay các HLV kế nhiệm thực hiện tham vọng nâng tầm bóng đá Việt Nam!