Thế kỷ 21 rồi, người Việt đừng nhìn vào cái quần cộc của GS Thành để đánh giá trí tuệ và sự sáng tạo, như thời thầy đồ thế kỷ 19

Hiệu Minh |

Sự phản ứng về cách ăn mặc trên giảng đường (quần sooc, áo vest) của GS nổi tiếng Trương Nguyện Thành, đã cho thấy rất nhiều điều cũ của xã hội Việt Nam qua một sự việc rất mới.

Thế nào là ăn mặc chỉnh tề?

Tất nhiên phải mặc quần áo chỉnh tề để lên lớp, nhưng thế nào là chỉnh tề, mỗi phương trời quan niệm khác nhau.

Có anh chàng tới nhà người yêu, chơi comple cravat, trịnh trọng như đi đại hội quan trọng. Cô bạn bảo, em thích anh mặc quần sooc, áo phông, cho trẻ. Mặc "hộp" như anh trông rất già.

Chả hiểu sao họ không đến với nhau, chàng tán được cô khác. Lần này rút kinh nghiệm, chàng chơi áo phông, quần ngố lửng. Nàng than, bố mẹ em khó tính, với lại em cũng muốn anh mặc quần áo nghiêm chỉnh, ai lại mặc quần đùi thế này.

Thời @ khác, cánh trẻ chơi quần cộc, người mặc quần dài, người tóc tai bù xù, người chải chuốt, người trọc đầu, cứ thế đến tán con gái nhà lành.

Nhớ năm 1980 đoàn thanh niên của cơ quan của tôi lên Đại học SP II ở Xuân Hòa để kết nghĩa.

Viện toàn cán bộ khoa học trẻ phần lớn vừa du học Đông Âu và Liên Xô về nên các chàng quần loe, tóc dài, giầy dép đủ kiểu, áo chim cò lòe loẹt, đi lại nghênh ngang, trông rất thoải mái, ra vẻ ta đây…rất Tây.

Bên giáo sinh sơ mi bỏ trong quần, đi dép cài quai hậu, đi lại nghiêm trang như trên giảng đường. Thế mà đòi kết nghĩa với nhau dù vênh từ cái quần vênh đi.

Vào họp trong lớp, các nhà khoa học ngồi tót lên bàn học, bắc chân chữ ngũ. Bên giáo sinh sợ quá, ôi, các bạn làm ơn ngồi xuống ghế, trường đã qui định không ai được ngồi lên bàn, kể cả giáo viên.

Môi trường sư phạm được coi là ăn sư ở phạm, nề nếp gia phong, ăn sâu bén rễ từ bao đời.

Chuyện giáo sinh và sau này thành thầy cô phải được rèn từ thưở đang đi học là điều dễ hiểu.

Thế kỷ 21 rồi, người Việt đừng nhìn vào cái quần cộc của GS Thành để đánh giá trí tuệ và sự sáng tạo, như thời thầy đồ thế kỷ 19 - Ảnh 1.

Xử lý ảnh: Mạnh Quân.

GS ta bị học sinh Tây góp ý vì ăn mặc nghiêm túc quá

Thời xưa thầy đồ dạy trò có trang phục khăn xếp, áo dài, tay cầm ô, ra dáng ông dạy chữ, dù trò thò lò mũi xanh, đứa mặc áo không mặc quần, đứa cởi trần đánh mỗi cái quần đùi lên lớp đều đều.

Ở thời đó cả ngày học một vài chữ là thường, suốt đời đi học mà được vạn chữ coi như như người có bồ chữ trong bụng, vì chữ Nho học chữ nào biết chữ đó.

Chuyển sang chữ Quốc ngữ đã khác, không học từng chữ mà học một mớ kiến thức nhưng thầy trò nghiêm túc như nhau.

Thời chiến tranh đầu những năm 1970 có phong trào nếp sống văn minh, học sinh phải mặc sơ mi, quần âu, bỏ áo trong quần và đi dép, cấm đi chân đất.

Đất lề quê thói, phải bao nhiêu năm sau mới bắt lũ trò nhà quê biết ăn mặc cho đàng hoàng, dù nghèo tới mức cha mẹ không đủ tiền mua cho cái thắt lưng hay cái quần phăng.

Thời nay thì đồng phục, áo trắng, quần thẫm mầu, đeo khăn quàng đỏ, tên trường, tên lớp trên áo ngực.

Ở môi trường giáo dục như thế nên có chuyện hay về một thầy Việt sang trường đại học New Mexico (Hoa Kỳ) làm giáo sư tin học khá uy tín, do có nhiều bài báo được trích dẫn.

Giảng dạy được một thời gian thì đám sinh viên có phiếu thăm dò về giáo sư ta. Về chất lượng giảng dạy thì không có vấn đề gì lắm, tính cách hiền, được trò quí, duy có một điểm trò góp ý 100% là thầy ăn mặc quá… nghiêm túc.

Hóa ra, giáo sư ta lên lớp toàn chơi comple, cravat, giầy bóng lộn. Trong khi đó các giáo sư Tây toàn chơi quần bò, áo phông, đôi lúc chơi cả quần sooc lên lớp, thoải mái như đi picnic. Sự đối lập này làm cho khoảng cách thầy Tây trò ta bị giữ khá xa.

Phải mất một thời gian, giáo sư ta mới quen được phong cách thoải mái như Tây. Ông phát hiện ra, từ khi mặc thoải mái, chất lượng giảng dạy tốt hơn, quan hệ thầy trò gần gũi hơn.

Từ cấp 1, lũ trẻ Tây đi học đã được thoải mái trong ăn mặc. Đứa quần dài, đứa quần sooc, áo dài tay, ngắn tay, áo phông, đủ kiểu.

Vào cấp 2, cấp 3 cũng vậy. Ông con cao hơn bố cả chục cm, đi học lớp 10 "đánh" mỗi cái quần thể thao, áo ba lỗ, hở cả nách. Thầy mặc quần bò rách gối trông chả khác trò.

Vào đại học cùng kiểu thoải mái đó. Về khoản ăn mặc bên trời Mỹ thì "trò không ra trò, thầy không ra thầy", thua xa xứ ta thầy cô lúc nào cũng là trịnh trọng viên và trò là những "lãnh đạo gương mẫu từ tấm bé".

Ăn mặc thoải mái mà vẫn... nhiều giải Nobel

Chả hiểu ăn mặc có liên quan đến sáng tạo và tài năng đơm hoa kết trái hay không.

Chỉ biết Hoa Kỳ ăn mặc thoải mái thì có đến 363 giải Nobel, Việt Nam có ông Lê Đức Thọ được giải Nobel hòa bình và sau này anh Ngô Bảo Châu coi như được giải Nobel toán học nhưng là do thành đạt ở nước ngoài.

Rồi có TS Nguyễn Hữu Ninh cùng cộng sự được Nobel hoà bình về biến đổi khí hậu.

Dẫu vậy mỗi môi trường đều có cách ăn mặc riêng. Tại công sở có khách hàng nhân viên phải ăn mặc lịch sự. Nhưng một nơi như Silicon Valley toàn dân công nghệ quần áo đẹp không làm nên những phần mềm nổi tiếng.

Thế kỷ 21 rồi, người Việt đừng nhìn vào cái quần cộc của GS Thành để đánh giá trí tuệ và sự sáng tạo, như thời thầy đồ thế kỷ 19 - Ảnh 2.

Tại các trường đại học không hề qui định giáo viên ăn mặc ra sao, nhưng vào ngày lễ ai cũng trang trọng, kể cả học sinh. 

Ngày tốt nghiệp bố mẹ phải thuê quần áo cho con mặc và đương nhiên thầy cô cũng phải đóng hộp.

Ở các nước phát triển, việc dùng mã (code) quần áo là chuyện bình thường.

Nơi qui định khắt khe về ăn mặc thì thứ Sáu cuối tuần cho phép smart casual (ăn mặc bình thường), quần bò và áo cộc tay vào mùa hè, tạo ra sự thân thiện giữa đồng nghiệp và một phần đỡ tiền điện, bảo vệ môi trường.

Mặc gì, mặc như thế nào, dịp nào cần sang trọng, khi nào thoải mái, không có giải pháp nào đúng.

Cần tùy cơ ứng biến, tránh bị "hố", lúc cần sang thì mình ngố, lúc cần ngố mình lại sang, nếu không sẽ dễ bị cảnh trớ trêu như anh chàng tới nhà người yêu, ăn mặc "ngược sáng" dưới con mắt của nàng.

Đồng phục đẹp trong trường chẳng nói lên môi trường để tạo ra các giải Nobel tương lai.

Thời hội nhập, thế kỷ 21 rồi, đừng nhìn cái quần cộc của giáo sư lên lớp mà đánh giá trí tuệ và sự sáng tạo như thời thầy đồ thế kỷ 19, tới lớp khăn xếp, áo thụng, cả ngày dạy trò được vài chữ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại