Văn hóa gia trưởng, phân biệt giới tính nặng nề
Nói đến văn hóa Hàn Quốc là nói đến sự trọng nam khinh nữ thực sự nặng nề. Chỉ cần xem vài bộ phim truyền hình của xứ sở Kim chi, đặc biệt là thể loại cổ trang, bạn liền thấy vị thế của phụ nữ thấp đến cỡ nào.
Ở nhà, họ phải "cúi trên nhường dưới", lo hết việc nội trợ, chăm sóc con cái, cha mẹ chồng. Ngoài xã hội, họ bị đánh giá thấp, bất chấp kỹ năng và trình độ.
Xét về sự tăng trưởng, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Nhờ K-pop, họ đang chiếm lĩnh sự yêu thích trên toàn cầu.
Nhưng chỉ riêng quan niệm "nam tôn nữ ti" là vẫn chưa thoát ra khỏi định kiến cổ hủ. Trong bảng xếp hạng mức độ bình đẳng giới trên 144 quốc gia, Hàn Quốc xếp thứ 118. Họ thuộc top 20 đất nước bất bình đẳng giới tính nhất thế giới.
Cũng tại Hàn Quốc, vấn nạn quay lén phụ nữ lộng hành. Theo điều tra của Bộ giới tính, Bình đẳng và Gia đình của đất nước này, có đến 8/10 phụ nữ bị quấy rối ở nơi làm việc.
Đã thế, họ lại không dám lên tiếng. Bởi bên cạnh nguy cơ mất việc làm, danh tiếng của nạn nhân cũng sẽ bị hủy hoại.
Đặc biệt là dù đã bước sang Thế kỷ XXI, thái độ xem nhẹ nữ giới vẫn chưa được cải thiện.
Không ít các chị em phụ nữ trẻ phát ngán, tự thay đổi cuộc đời bằng cách khỏi cần kết hôn, hoặc có kết hôn nhưng trì hoãn sinh con. Kết quả là tỉ lệ sinh sụt giảm trầm trọng.
Phụ nữ bị xem nhẹ, quấy rối ở chỗ làm.
Theo thống kê mới nhất về các cặp vợ chồng cưới trong khoảng năm 2013-2018, có đến 40% vẫn chưa sinh con. Tỷ suất sinh trên cả nước giảm xuống tới mức thấp kỷ lục là 0,98.
Dự đoán tỷ suất sinh của Hàn Quốc sẽ chững lại hoặc tiếp tục giảm, chí ít là cho tới năm 2025.
Gánh nặng chăm sóc con cái đổ hết lên vai người mẹ
Sau khi mở một cuộc khảo sát về vấn đề việc nhà, Viện Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em của Hàn Quốc nhận được kết quả đáng mừng: 9/10 đàn ông và phụ nữ độc thân khẳng định, vợ chồng nên cùng nhau chia sẻ.
Thế nhưng thực tế lại phơi bày một hiện trạng hoàn toàn khác, khi phần lớn các ông bố Hàn Quốc đùn đẩy hết trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái, dọn dẹp nhà cửa cho vợ.
Đàn ông Hàn Quốc đùn đẩy toàn bộ trách nhiệm nội trợ lên vai vợ.
Nguyên nhân cũng vì đại đa số các "ông chủ" thuê lao động đều là người lớn tuổi, nặng định kiến, ưa bóc lột công sức.
Họ thường âm thầm "đì nặng" các nhân viên vừa hết giờ làm đã vội vã tan ca. Các ông bố Hàn Quốc cực kỳ vất vả trong việc giữ gìn các mối quan hệ ở chỗ làm, tránh bị "sếp" ác cảm. Rốt cục, gánh nặng vẫn đè hết lên vai phụ nữ có con.
"Nếu là một nhân viên toàn thời gian ở Hàn Quốc, bạn chẳng thể nào chắc chắn mình có thể đứng dậy ra về khi kim đồng hồ chỉ 6h chiều (giờ tan làm)," - Moon Yoo-Kyung, nhà nghiên cứu của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc phân tích.
Ngay cả phụ nữ Hàn Quốc cũng không tránh khỏi phải tăng ca liên miên, để ý sắc mặt "sếp". Việc nhà thường bị chất đống, dồn đến cuối tuần làm luôn một thể. Nếu không kham nổi, họ chỉ còn nước bỏ việc làm.
Phụ nữ Hàn Quốc phát nản vì công việc bộn bề.
Chưa hết, người Hàn Quốc còn quan niệm, đàn ông nội trợ là… "đồ bỏ". Không ít nam giới vin vào cớ ấy, để mặc vợ một mình tất bật.
Theo phân tích của Tổ chức Phụ nữ và Gia đình Seoul, các bà mẹ phải tốn gần 3,5 tiếng mỗi ngày để làm hết việc nhà. Trong khi đó, các ông bố chỉ dành khoảng 1h là cùng.
Với gánh nặng công việc+nội trợ, phụ nữ Hàn Quốc còn rất ít quỹ thời gian cho các nhu cầu cá nhân.
Nếu muốn dễ thở hơn, họ buộc phải lựa chọn một trong hai, gia đình hoặc công việc. Tuy nhiên, sự lựa chọn chỉ đơn giản với người có điều kiện kinh tế khá giả. Các chị em thu nhập thấp thì dù muốn dù không, vẫn phải ôm đồm hết.
Tiền công làm việc ngày càng thấp, có khi còn dưới mức lương tối thiểu
Đầu tháng 12/2019, Hàn Quốc còn công bố thêm một dữ liệu thống kê gây "nản toàn tập" với phụ nữ: gần 30% các bà mẹ chỉ là nhân viên hợp đồng. 10,2% các bà mẹ có con nhỏ bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu 1,75 triệu won/tháng (khoảng 35 triệu vnđ).
Họ chỉ nhận được thu nhập dưới 1 triệu won/tháng (ít hơn 19,4 triệu vnđ).
Các bà mẹ có con nhỏ vừa vất vả, vừa bị trả lương thấp.
Cũng theo báo cáo mới nhất này, tổng số lao động nữ có con từ 4 tháng đến 18 tuổi, làm việc hợp đồng, tính đến tháng 4/2019 là 641.000 người. Họ chiếm khoảng 28% bà mẹ Hàn Quốc (2,3 triệu người) trong độ tuổi lao động 15-54 tuổi.
Thời gian làm việc của nhân viên hợp đồng tất nhiên là ngắn, tiền lương được trả cũng thấp hơn nhân viên chính thức.
Hết hạn hợp đồng, các bà mẹ cũng có nguy cơ mất làm việc, hoặc phải chấp nhận mức lương thấp hơn nữa nếu muốn gia hạn tiếp.
"Lao động nữ có khoảng thời gian nghỉ sản sẽ gặp khó khăn trong việc lấy lại chỗ làm chính thức, bất kể trước đó họ đã xuất sắc như thế nào," – một nhân viên của Thống kê Hàn Quốc cho biết.