Vì sao ông Lý Hiển Long cần chuyển giao quyền lực cho "người ngoại tộc"?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Ông Lý Hiển Long phải gây dựng thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore chừng nào còn có thể tận lợi được ảnh hưởng và uy tín từ cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Chuẩn bị cho thế hệ thứ tư

Bốn năm trước thời điểm dự định rời bỏ quyền lực và giã từ chính trường, đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền ở Singapore đã có những quyết định đầu tiên về nhân sự thay thế và kế thừa ông Lý Hiển Long. Như vậy có thể thấy việc chuẩn bị cho thế hệ cầm quyền thứ tư được chuẩn bị rất sớm.

Trong số 7 ứng cử viên sáng giá nhất thì đứng đầu là Bộ trưởng Tài chính Vương Thuỵ Kiệt. Ông Lý Hiển Long đã lộ ý là sẽ rũ áo ra đi vào năm 2022, ở tuổi 70 và một năm sau cuộc tổng tuyển cử định kỳ ở Singapore.

Chủ định của ông Lý Hiển Long và đảng PAP thể hiện qua đó rất rõ: Đảng này muốn cùng ông Lý Hiển Long và dựa vào ông Lý Hiển Long để duy trì cương vị cầm quyền, trao quyền bính vào tay người kế nhiệm chứ không để cho người kế nhiệm ông Lý Hiển Long phải giành về quyền bính cho mình và cho đảng PAP trong cuộc tổng tuyển cử, chắc chắn chứ không mạo hiểm.

Nhưng qua đó lại cũng còn có thể thấy ông Vương Thuỵ Kiệt hiện là ứng cử viên sáng giá nhất nhưng không hẳn chắc chắn tuyệt đối là sẽ kế nhiệm ông Lý Hiển Long.

Đối với chuyện kế nhiệm, thời gian chờ đợi 4 năm là dài, thậm chí rất dài và trong khoảng thời gian ấy mọi cái đều có thể thay đổi. Chẳng phải có câu "Đêm dài lắm mộng" đó hay sao? Ông Vương Thuỵ Kiệt được đặt lên bệ phóng quyền lực nhưng không có nghĩa là chắc chắn sẽ được phóng tới quyền lực.

Nhiều ứng cử viên khác vẫn có thể thay thế người này trong khoảng thời gian ấy. Cứ cho là ông Lý Hiển Long thực hiện chủ ý đã để lộ thì vào năm 2022, người này 70 tuổi và cầm quyền được 18 năm.

Hai thế hệ trước đó có ông Lý Quang Diệu cầm quyền lâu hơn (25 năm) nhưng thôi quyền ở năm 67 tuổi và ông Ngô Tác Đống cầm quyền 14 năm, rời chính trường năm 63 tuổi.

Đảng PAP cầm quyền ở Singapore suốt từ khi lập quốc năm 1965 đến nay. Bởi lẽ đời là cái gì rồi cũng có sự khởi đầu nên đảng này không thể không trù liệu đến và đối phó để ngăn chặn khả năng bị mất vị thế cầm quyền. Chuẩn bị nhân sự kế cận là việc cần thiết và lại còn phải sớm chứ không thể muộn đối với ông Lý Hiển Long và đảng PAP.

Tưởng buông bỏ mà thực ra là giữ chặt

Cho tới nay, đảng này và cả cá nhân ông Lý Hiển Long dựa đáng kể vào uy tín và ảnh hưởng của cá nhân ông Lý Quang Diệu. Điều không thể tránh khỏi là theo thời gian và do thay đổi thời cuộc trên thế giới và chính trị xã hội ở Singapore, tác động thực tế của nhân tố này sẽ không còn được mãi như trước nữa, sẽ dần giảm và mai một.

Vì sao ông Lý Hiển Long cần chuyển giao quyền lực cho người ngoại tộc? - Ảnh 2.

Cố lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: ST

Ông Lý Hiển Long phải gây dựng thế hệ lãnh đạo thứ tư chừng nào còn có thể tận lợi được từ nhân tố đó để duy trì vị thế quyền lực cho đảng PAP, để bảo vệ di sản chính trị của nhà Lý và để dấu ấn cầm quyền của nhà Lý ở Singapore không bị phai mờ.

Khi xưa, ông Lý Quang Diệu chuyển giao quyền bính quốc gia cho người ngoại tộc để rồi người này gây dựng người kế thừa là ông Lý Hiển Long. Bây giờ, ông Lý Hiển Long cũng hành xử tương tự để gây dựng cơ may cho người nhà Lý lại có thể cầm quyền vào thời điểm nào đấy sau này.

Thế hệ lãnh đạo thứ tư của đảng PAP bao gồm những người đã từng phục vụ và cộng sự cho 3 thế hệ lãnh đạo trước, được đào tạo và trưởng thành, thử thách và tin cậy đủ mức để kế thừa di sản chính trị và tiếp tục đường lối chính sách trước. Họ thích hợp với thời mới ở Singapore.

Vì sao ông Lý Hiển Long cần chuyển giao quyền lực cho người ngoại tộc? - Ảnh 3.

Đất nước này hiện đã tới giới hạn của khả năng và tiềm lực phát triển trong khuôn khổ mô hình phát triển lâu nay, phải trực diện nhiều thách thức mới, đặc biệt về tăng trưởng kinh tế, thương mại tự do, công nghệ hiện đại và hợp tác khu vực.

Đất nước cần ý tưởng chiến lược mới cho phát triển, cần động lực tăng trưởng mới và cần cả lãnh đạo mới tạo nên hình ảnh, diện mạo mới. Nói theo cách khác, Singapore không thể tránh khỏi việc thực hiện bước chuyển giai đoạn trong thời gian tới.

Cách chuẩn bị nhân sự lãnh đạo dài hơi như thế rất thức thời và thực tế, tưởng như buông bỏ mà thật ra lại là giữ chặt bởi như thế tuy các thế hệ lãnh đạo trước không còn trực tiếp nhiếp chính nhưng vẫn trùm phủ bóng rất rộng.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại