Ngày 10.3, Tân Hoa xã đưa tin chương trình “tuần tra bảo vệ ngư dân Trung Quốc” hoạt động trái phép ở vùng biển gần Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong năm 2013 chính thức khởi động, với 2 tàu ngư chính 310 và 301 đã có mặt khu vực này.
Quan chức Lưu Quế Mậu còn lên giọng khẳng định đây chỉ mới là giai đoạn đầu của chương trình và trong năm nay sẽ có tới 21 tàu ngư chính với tổng cộng 3.000 nhân viên hoạt động phi pháp tại khu vực Trường Sa.
Cùng ngày, 3 tàu hải giám 83, 262 và 263 chở theo trực thăng bắt đầu đợt tuần tra kéo dài 9 ngày ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đội tàu này tuần tra 10 đảo và bãi đá, trong đó nhân viên của tàu ngang nhiên đổ bộ lên đảo Cây và đảo Bắc, theo Tân Hoa xã.
Chưa hết, phát biểu bên lề kỳ họp quốc hội Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh, “Thị trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy TP.Tam Sa” Tiêu Kiệt thông báo công trình đóng tàu du lịch đến quần đảo Hoàng Sa đã hoàn tất.
Ông Tiêu không cung cấp chi tiết về con tàu nhưng theo Tân Hoa xã, một tàu du lịch mang tên Hải Na mà Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động sẽ chuyên chở khách ra Hoàng Sa. Tàu này có trọng tải 47.000 tấn, dài 223 m, cao 31 m, chạy với vận tốc gần 39 km/giờ. Khoang hành khách có 739 phòng, có thể chứa 1.965 người.
Cũng trong khuôn khổ kỳ họp quốc hội, Trung Quốc thông báo kế hoạch hợp nhất các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Theo công bố của Ủy viên Quốc vụ viện Mã Khải ngày 10.3, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc sẽ được trao quyền quản lý lực lượng hải giám, cảnh sát biển trước thuộc Bộ Công an, lực lượng ngư chính của Bộ Nông nghiệp và cảnh sát chống buôn lậu trên biển.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Mã nói quyết định này nhằm tăng cường việc thực thi luật biển và “bảo vệ nguồn tài nguyên, chủ quyền” của Trung Quốc trên biển Đông. Thực chất, lâu nay các lực lượng chấp pháp trên biển của Bắc Kinh, nhất là hải giám và ngư chính, là nguồn cơn gây căng thẳng và quan ngại với các hành vi tuần tra phi pháp tại Hoàng Sa và Trường Sa, quấy rối thậm chí bắt bớ tàu thuyền, ngư dân các nước hoạt động hợp pháp trên biển Đông.
Những hành động trên cho thấy Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước thực trạng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị ngày 7.3 nêu rõ: “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động tại các khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi kiên quyết phản đối”.