Theo tờ Want Daily của Đài Loan, trong khoảng thời gian từ năm 1974–1990, 4 đường hầm bí mật của Triều Tiên vẫn đang trong quá trình thi công, chạy xuyên qua khu biên giới phi quân sự liên Triều (DMZ) đã bị phía Hàn Quốc phát hiện.
Trong đó, đường hầm thứ nhất dài 3.500 m với 1.000 m thuộc khu phía nam Giới tuyến quân sự (MDL) giữa hai miền và chỉ cách Seoul 65 km. Tại thời điểm bị phát hiện, đường hầm này đã được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, mạng lưới dây điện cùng hệ thống đường ray tàu hỏa.
Đường hầm thứ 2 được xây theo hình mái vòm, xuyên qua đá, nằm cách mặt đất từ 50-160 m, rộng 2 m, cao 2 m, dài 3.500 m, trong đó có 1.100 m nằm ở khu phía nam MDL và cách Seoul 101 km. Đường hầm này có 3 lối ra và đủ rộng để khoảng 3.000 binh sĩ cùng hệ thống pháo và xe tăng di chuyển mỗi giờ.
Đường hầm thứ 3 được xây theo kích thước và hình vòm giống với đường hầm thứ 2, cách mặt đất 73 m, dài 1.635 m, trong đó có 435 m nằm ở phía nam MDL và chỉ cách Seoul 44 km. Theo Globalsecurity.org, Triều Tiên dự kiến xây 5 lối ra cho đường hầm này, cho phép 30.000 binh sĩ di chuyển mỗi giờ.
Đường hầm thứ 4 có hình vòng cung xuyên qua đá, nằm sâu 145 m dưới lòng đất và dài 2.052 m, trong đó có 1.052 m nằm phía nam MDL và cách Seoul 203 km, cho phép 30.000 binh sĩ di chuyển mỗi giờ.
Cho tới nay, Hàn Quốc đã mở cửa 2 trong số 4 đường hầm trên để du khách tham quan. Trong đó, Bình Nhưỡng chỉ thừa nhận sự tồn tại của con đường hầm thứ 4.
Tuy nhiên, chuyên gia đường hầm quân sự Hàn Quốc - Lee Jong-chang cho biết quân đội nhân dân Triều Tiên đã cho xây thêm 13 đường hầm bí mật, chạy thẳng tới các ga tàu điện ngầm tại Thủ đô Seoul.
Mặc dù, giới chức Hàn Quốc cho rằng phương pháp ông Lee áp dụng để xác định vị trí của những cung đường hầm trên là không có cơ sở khoa học. Song ông Lee khẳng định phương pháp này từng giúp phát hiện chính xác vị trí của các dòng suối nước nóng và mạch nước ngầm trong quá khứ.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ từng đưa ra lời cảnh báo với Bình Nhưỡng rằng quân đội nước này sẵn sàng sử dụng mọi thiết bị vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường để ngăn chặn những cuộc tấn công qua hệ thống đường hầm của Triều Tiên.
Ngay sau đó, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Washington đưa ra lời xin lỗi trước tuyên bố mang tính đe dọa trên trước khi tính tới việc nối lại các cuộc đối thoại. Thậm chí, triều Tiên khẳng định ngay cả chiếc ô hạt nhân mà Mỹ đang triển khai cũng không thể bảo vệ đồng minh Hàn Quốc trước nguy cơ hủy diệt.
Từ ngày 7/5, Tổng thống Hàn Quốc - Park Geun-hye sẽ bay tới Mỹ để thảo luận về các phương án đối phó với những mối đe dọa từ phía Triều Tiên . Trong khi đó, vào tuần tới, đại tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ - Martin Dempsey sẽ bay sang Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác của Trung Quốc trong việc duy trì ổn định tại khu vực Đông Bắc Á.