Tân hoa xã dẫn lời Cục An toàn Hàng hải tỉnh Hải Nam cho biết đội tàu này bao gồm tàu Hải tuần 21, Hải tuần 31 và Hải tuần 166 tuần tra Biển Đông nhằm "tăng cường năng lực thực thi luật hàng hải” và rèn khả năng phản ứng nhanh của đội tàu tuần tra ở Biển Đông.
Báo chí Trung Quốc cũng lớn tiếng rằng đội tàu này sẽ giám sát an toàn giao thông trên Biển Đông, điều tra các vụ tai nạn trên biển, giảm ô nhiễm và tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.
Đây là chuyến tuần tra thứ hai của Trung Quốc trong vòng 10 ngày qua. Trước đó, ngày 20-2, hai tàu từ Quảng Châu thực hiện cái gọi là “tuần tra thường kỳ” trên Biển Đông.
Đầu tháng 2, 3 tàu chiến Trung Quốc, thuộc Hạm đội Bắc Hải, đã vượt 1.200 hải lý đi ngang qua Eo biển Ba Sĩ, tiến vào Biển Đông để "thực tập tác chiến" bằng đạn thật.
Ngày 7-2, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố sẽ thực hiện các chuyến tuần tra hàng ngày ở Biển Đông từ năm 2014 nhằm “bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngư dân” nước này.
Ngay trong những ngày đầu năm mới Quý Tỵ, Trung Quốc đã cử hàng loạt tàu ngư chính thực thi cái gọi là “tuần tra ngư nghiệp” trên Biển Đông, đặc biệt là quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước động thái trên của các tàu Trung Quốc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines ông Raul Hernandez tuyên bố, các hoạt động tuần tra ở những vùng tranh chấp là “trái với nghĩa vụ của Trung Quốc” theo luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Ông Raul Hernandez nhấn mạnh Philippines kịch liệt phản đối việc tàu Trung Quốc tuần tra ở những vùng đang nằm trong tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.