Lễ hội thánh Rắn (Ý)
Hàng năm, những người dân làng Cocullo, một làng nhỏ thuộc tỉnh Aquilla đều tổ chức lễ hội thánh Rắn độc đáo vào đúng 12h ngày thứ 5 đầu tiên của tháng 5. Lễ hội nhằm tưởng nhớ thánh Domenico, một vị thánh đã từng cứu sống rất nhiều người bị rắn cắn, theo truyền thuyết.
Những người bắt rắn sẽ phủ chúng lên trên bức tượng thánh Domenico bằng gỗ.
Toàn bộ số rắn sẽ được cho uống sữa trước khi vào hội. Sau đó, những người bắt rắn sẽ phủ rắn lên trên tượng thánh Domenico bằng gỗ. Bức tượng rắn này sẽ được rước đi khắp làng, qua những thung lũng và quảng trường.
Màn diễu hành kết thúc cũng là lúc pháo hoa được bắn rực rỡ trên bầu trời nơi đây.
Người Cocullo quan niệm rằng, lễ hội rước thánh rắn hoành tráng này sẽ giúp họ tăng khả năng miễn dịch với nọc độc rắn cắn cho cả năm sắp tới, đến tận mùa thánh Rắn năm sau.
Tắm cho rắn hổ mang bằng sữa bò (Ấn Độ)
Tục lệ này được duy trì lâu đời tại một ngôi đền tại Amritsar, bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ. Vào ngày chính lễ, từng đoàn người thức dậy từ rất sớm, dập dìu ra sông tắm rửa để “tẩy uế” bụi trần trước khi tiến hành tắm sữa cho rắn.
Một người đàn ông đang tưới sữa bò lên mình rắn.
Khi những người biểu diễn nắm chặt rắn hổ mang chúa trong tay, các tín đồ đến từ khắp nơi liền tới tấp tưới sữa bò khắp người chúng, rồi dâng hoa tươi để thần rắn hưởng cùng. Sau đó, những người biểu diễn sẽ mang rắn tới từng nhà để chúc phúc.
Theo quan niệm của đạo Hindu, được tận mắt chứng kiến rắn hổ mang bành là một điều may mắn và dấu hiệu cho thấy tương lai hạnh phúc, tiền tài sắp tới gần.
Lễ hội bắt rắn đuôi chuông (Mỹ)
Lễ hội bắt rắn là một loại hình văn hóa độc đáo được tổ chức vào tháng 3 hàng năm tại thành phố Sweetwater, phía Tây Texas. Nó gợi nhớ về thời kỳ khai phá miền Tây xa xưa, khi người Mỹ phải loại trừ nhiều kẻ thù, trong đó có rắn đuôi chuông.
Cảnh lột da rắn đuôi chuông trong một “lò” chế biến rắn.
Mỗi lần diễn ra lễ hội, người dân nơi đây phải chuẩn bị thật chu đáo dụng cụ để bắt rắn đuôi chuông, cho vào những chiếc thùng nhỏ để đem đến một nơi gọi là khu chế biến rắn.
Những con rắn đuôi chuông đều bị đem ra gột hết nọc độc, lột da và chế biến thành các ăn. Ngoài ra, người ta cũng có thể chọn ra những con rắn chuông khỏe, đẹp để biểu diễn và thậm chí là để tham gia cuộc thi Hoa hậu rắn.
Lễ hội bắt rắn đuôi chuông được coi là một môn thể thao săn bắn rất có lợi cho con người và giúp người dân nâng cao nhận thức về rắn chuông. Tuy nhiên các nhà khoa học lại ra sức phản đối lễ hội này do nguy cơ tuyệt chủng và đe dọa đến đời sống tự nhiên của loài rắn này.
Tục thôi miên rắn (Ấn Độ)
Vadi, bộ tộc Ấn Độ được mệnh danh là mê rắn bậc nhất thế giới, là nơi sản sinh ra tập tục thổi kèn thôi miên rắn vô cùng độc đáo.
Những chú rắn nằm ngoan ngoãn trong giỏ và “lắc lư” theo tiếng kèn.
Vào ngày lễ hội, những người đàn ông bộ tộc thường để rắn của mình trong những chiếc giỏ nhỏ hình tròn được kết bằng các nguyên liệu tư nhiên. Họ không chỉ coi rắn là người bạn thân thiết, mà còn xem chúng là những vị thần thánh thiêng liêng và bắt đầu tiến hành thổi kèn cho chúng nghe.
Để được coi là thành công, người thổi kèn phải khiến con rắn “lắc lư” theo giai điệu.
Tục lệ này dựa trên rất nhiều những yếu tố khắt khe như cách ngồi tạo khoảng cách với rắn như thế nào cho phù hợp và làm sao để không bị những con rắn tấn công.
Mặc dù từ năm 1991 đến nay, chính quyền Ấn Độ đã nhiều lần ban lệnh cấm tục lệ thôi miên rắn vì lý do ảnh hưởng đến đời sống loài rắn và gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bộ tộc gồm hơn 600 người này vẫn kiên quyết giữ vững tập tục đã có từ nghìn năm này, bởi với họ, rắn cũng có nghĩa là con cái của chính mình.
Lễ hội hiến tế rắn thiêng (Hi Lạp)
Tại một khu rừng nhỏ của Apollo ở Epirus, người dân tôn sùng và thờ phụng rắn như những vị thần tối cao. Những tu nữ trinh tiết sẽ khỏa thân và mang thật nhiều thức ăn ngon đến hiến tế rắn thiêng trong một lễ hội được tổ chức hàng năm.
Họ tin rằng, nếu những con rắn chịu lấy thức ăn của họ một cách dễ dàng thì cả năm họ sẽ được mạnh khỏe, may mắn và mùa màng bội thu. Ngược lại, nếu những con rắn không chịu ăn đồ ăn của họ thì điều đó chứng tỏ gia đình họ sẽ gặp xui xẻo cả một năm, dẫn đến những lo âu trong đời sống.
Từ lâu, rắn đã được coi như thần linh và được thờ phụng ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Niềm tin này có lẽ được bắt nguồn từ việc thờ cúng thần Apollo tại Delphi dưới hình tượng con rắn. Trong tín ngưỡng của người Hi Lạp, rắn luôn được xem là một biểu tượng thiêng liêng, không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực và khả năng sinh sản.
Mai táng cùng rắn độc (Việt Nam)
Một bộ phận những người Khmer theo dòng Phật giáo Nam tông có tục lệ lạ là khi chết, trong áo quan của người xấu số không thể thiếu sự hiện diện của… rắn độc.
Trên thực tế, đại bộ phận người Khmer ở đây đều thờ rắn thần Naga chín đầu – một loài rắn hổ mang chúa theo quan niệm của họ. Bởi vậy họ tin tưởng rằng, hàng trăm con của thần Naga chính là thần hộ mệnh bảo vệ loài người trước những hiểm họa, ngay cả khi con người bước sang thế giới bên kia.
Những ngôi mộ người quá cố được chôn cùng với rắn độc của người Khmer.
Vì vậy, bất kì ai theo đạo Nam tông chẳng may qua đời, những người thân phải tìm được một con rắn độc. Rắn càng độc càng bảo vệ tốt hơn cho người quá cố. Sau đó, họ phải mời các nhà sư trong chùa đến làm lễ, cầu nguyện và giết chết con rắn đó, lấy máu của nó nhỏ vào vách của chiếc quan tài.
Sau khi làm lễ nhập quan cho người quá cố, mọi người cuốn con rắn trong một miếng vải đỏ và đặt nó như một tấm bùa hộ mệnh bên cạnh.
Khi tất cả mọi việc xong xuôi, người ta mới yên tâm đưa người chết đi chôn cất với một niềm tin rằng, linh hồn người chết sẽ gặp nhiều may mắn, sang thế giới bên kia sẽ an nhàn vì có thần rắn bảo vệ.