Năm nay 30 tuổi, Lưu Quân Linh đã lăn lộn với nghề khóc mướn từ khi mới lên 9. Có mặt trong không biết bao nhiêu tang lễ, Lưu tâm sự mỗi giọt nước mắt của cô đều là thực.
Theo Cơ quan quản lý các vấn đề nội địa Đài Loan, ngành dịch vụ tang lễ ở hòn đảo khoảng 23 triệu dân này mang lại doanh thu vào khoảng 50 tỷ Đài tệ mỗi năm.
“Tang lễ là một phần độc đáo của văn hóa Đài Loan, một cách thể hiện đạo làm con cháu với niềm tin linh hồn tiền nhân có thể bảo vệ, ban phước lành cho các thế hệ đi sau”, một chuyên gia tang lễ nói.
Rất nổi tiếng với nghề khóc mướn ở Đài Loan, Lưu Quân Linh khẳng định nghề này “có lịch sử lâu đời”, gắn liền với quan niệm cổ xưa rằng tiếng khóc to rõ sẽ giúp người chết đi qua thế giới bên kia đúng đường đúng lối.
“Khi mất đi người thân, những người ở lại đau buồn rất nhiều, kêu gào đến mức không thể nhỏ bất cứ giọt nước mắt nào trong lúc cử hành lễ tang", Lưu nói.
Trong các tang lễ, nhiệm vụ của cô là giúp thân nhân của người quá cố khơi dòng nước mắt để tiễn đưa người ra đi. Trước khi khóc than, cô Lưu khoác lên mình chiếc áo tang và quỳ gối cạnh quan tài hệt như một người thân trong gia đình người quá cố. Rồi cô khóc, nước mắt tuôn rơi.
Hỏi Lưu Quân Linh làm thế nào lại dễ dàng bật khóc vì một người xa lạ, cô thổ lộ đó đều là tình cảm thật của mình. “Bạn phải nghĩ rằng đó là gia đình của bạn và khóc thật. Khi tôi nhìn thấy những gương mặt đau buồn ở đám tang, tôi còn cảm thấy não ruột hơn” - cô nói.
Cha truyền con nối
Cởi bỏ bộ đồ tang, cô Lưu trông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 30 với hàng lông mi dài, má lúm đồng tiền và móng tay được sơn lấp lánh.
Một người chuyên về dịch vụ tang lễ họ Lâm cho biết: “Rất nhiều người thắc mắc tại sao người phụ nữ trẻ này lại sống với cái nghề không được ưa thích. Thế nhưng, theo tôi biết, đây là nghề cha truyền con nối. Trước Lưu Quân Linh, bà và mẹ cô cũng mưu sinh bằng nghề khóc mướn”.
Lưu Quân Linh đã quen với nhà tang lễ từ nhỏ, thường bắt chước mẹ và chị tập khóc. “Lúc ấy, tôi vớ lấy bất cứ thứ gì và tưởng tượng là chiếc mirco. Sau đó, nghĩ đến quan tài rồi khóc như mẹ và chị”.
Năm cô 9 tuổi, cha mẹ Lưu Quân Linh đột ngột qua đời. Nợ nần chồng chất, cô bắt đầu theo bà khóc mướn để kiếm tiền trang trải. Mỗi ngày, cô phải dậy thật sớm để luyện tập và thường phải bỏ học. Bạn bè cô chế giễu không ít. “Họ bảo tôi trông chẳng giống ai, thật là kỳ cục và ngu ngốc khi mặc chiếc áo tang. Suốt một thời gian dài, tôi ôm mặc cảm thấp kém bên mình”, Lưu Quân Linh kể.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, cô nhận ra được điều tốt đẹp từ công việc khóc mướn này.
“Công việc này thực sự có thể giúp mọi người đối diện với những điều họ sợ hãi”, Lưu Quân Linh nói.
Các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định những nghi lễ ma chay truyền thống ở Đài Loan đang mất dần, trong đó có chuyện khóc mướn, trước việc người dân tinh giản bớt để tiết kiệm tiền của.
Trong đám tang của người ở hòn đảo này còn có dịch mua nhảy múa thuê, thậm chí cả thoát y, để mua vui cho người sang bên kia thế giới.