Người nước ngoài ở Hàn Quốc nói về khủng hoảng Triều Tiên

Mặc dù các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ba giáo viên người nước ngoài sống tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục công việc thường nhật, không hề lo lắng tới những mối đe dọa này.

Sarah Brannan, Henry Li và Moises Georges là những giáo viên tiếng Anh người nước ngoài hiện sống và làm việc tại Hàn Quốc. Hàng ngày, họ vẫn đi làm, đi du lịch và trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc, trong bối cảnh căng thẳng ngày một leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Sarah Brannan, sống tại Yongsin, cho biết cô không hề quan tâm tới những đe dọa của Bình Nhưỡng. Cô nói: "Hành động này của Triều Tiên đã không còn xa lạ. Họ hiểu rằng, nếu họ có bất kỳ động thái nào, họ sẽ rơi vào nguy cơ mất đi những người đồng minh hiếm hoi còn lại của mình".

Đồng quan điểm với Brannan, Henry Li, giáo viên tiếng Anh hiện sống tại Cheongju, chia sẻ rằng Li thường nói chuyện về tình hình Triều Tiên với những người bản địa tại nơi anh sống và hoàn toàn đồng ý với họ rằng, không việc gì phải lo lắng trước những mối đe dọa này, bởi người Hàn Quốc đã sống như vậy trong nhiều thập kỷ qua, kể từ sau chiến tranh Triều Tiên - Hàn Quốc (1950-1953).

 

Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không phải là mối quan tâm hàng đầu, đối với những người sống ở vùng ngoại ô Hàn Quốc. Moises Georges, giáo viên người Mỹ đang sống tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Cheongsong cho biết, anh không hề lo lắng tới sự an toàn của bản thân. Anh cảm thấy như đang sống tại một nơi rất xa những nơi có thể bị nguy hiểm đe dọa nếu chiến tranh xảy ra.

Hàng ngày, cả ba giáo viên trên đều theo dõi sát sao những tin tức mới nhất về Hàn Quốc. Phần lớn nguồn tin mà họ theo dõi là những tin tiếng Anh hoặc các nguồn tin của Hàn Quốc viết bằng tiếng Anh như Korea Herald và Korea Times. Họ có chung quan điểm rằng, những nguồn tin này tuy cập nhật rất nhiều tin tức mới, nhưng đang có xu hướng nghiêng về những mối đe dọa của Triều Tiên.

Li nói: "Tôi cảm thấy các phương tiện truyền thông cập nhật tình hình tại Hàn Quốc khá đầy đủ. Thời điểm này, có thể báo chí đang tập trung nhiều vào vấn đề Triều Tiên, tuy nhiên đó là đặc trưng của truyền thông Hàn Quốc".

Brannan với thái độ mạnh mẽ hơn, cho biết: "Hầu hết các hãng thông tấn lớn chỉ đang tập trung đưa tin về các mối đe dọa, chứ không phân tích tình hình và so sánh với những gì đã diễn ra trong quá khứ". Georges cũng cho rằng, giới truyền thông Hàn Quốc đang thiếu những tin tức nền và tập trung đưa tin quá nhiều về những xung đột.

Chính phủ Mỹ bảo đảm sự an toàn cho những công dân của mình tại Hàn Quốc như ba giáo viên trên và luôn cung cấp đầy đủ tin tức. George cho biết, anh thường theo dõi báo điện tử Smart Traveler (Người du lịch thông thái) của đại sứ quán Mỹ. Trang báo này cung cấp tới người đọc thông tin quan trọng để bảo đảm an toàn. Còn Li lại cho rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, khiến anh không hề có cảm giác lo lắng trước những đe dọa của Bình Nhưỡng.

Mặc dù Triều Tiên đã đưa ra những đe dọa về một cuộc chiến tranh hoặc tấn công hạt nhân, ba giáo viên nước ngoài trên đều chưa từng có ý nghĩ sẽ rời khỏi Hàn Quốc.

Brannan chia sẻ: "Đây là cuộc sống và công việc của tôi. Giống như tôi đã không rời Mỹ sau thảm họa khủng bố ngày 11/9. Tôi không đi khỏi Hàn Quốc bởi tôi thấy ở đây không có một chút đáng sợ nào".

Còn George, anh cảm thấy mình có được những trải nghiệm đáng giá tại Hàn Quốc và anh không thể từ bỏ nơi này, chỉ vì những rắc rối giữa Hàn Quốc với Triều Tiên. Với Li, ở lại Hàn Quốc cũng có nghĩa là được sống cùng một phần của lịch sử.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại