Trước đó, ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đề nghị các đại sứ quán nước ngoài, bao gồm cả đại sứ quán Nga, xem xét việc di tản nhân viên do tình hình ngày càng xấu đi tại bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đang yêu cầu phía Triều Tiên giải thích là liệu lời cảnh báo này là một lệnh sơ tán hay chỉ là một đề nghị để các tòa đại sứ tự quyết định.
Ông Lavrov nói: “Hiện chúng tôi đang cố làm rõ tình hình” và cho biết phía Nga đang tiếp xúc với Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc để tìm hiểu động cơ của việc cảnh báo này.
Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov nói: “Chúng tôi rất lo lắng về việc gây ra những căng thẳng, ngay cả bằng lời nói. Chúng tôi muốn hiểu lý do đằng sau đề nghị sơ tán các tòa đại sứ, liệu đó là một quyết định của các nhà lãnh đạo Triều Tiên hay là một đề nghị. Chúng tôi được biết đó là một đề nghị”.
Phát ngôn viên Denis Samsonov của sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng nói với truyền thông rằng đại sứ quán nước này vẫn hoạt động bình thường.
Bộ Ngoại giao Anh xác nhận là đã nhận được cảnh báo và cho biết “đang xem xét bước kế tiếp” nhưng không có kế hoạch ngay lập tức rút khỏi Bình Nhưỡng. Theo Yonhap, mặc dù không có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không rút các công dân nước này đang làm việc trong các tổ chức phi chính phủ khỏi Triều Tiên.
Những nước khác có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên như Cộng hòa Czech, Romania và Bulgaria đang xem xét tình hình một cách thận trọng.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng trong mấy tuần qua. Ngày 5/4/2013, phía Hàn Quốc thông báo rằng Triều Tiên đã triển khai tên lửa đạn đạo trên bờ biển phía Đông nước này.