Lịch sử đẫm máu của loại bom khủng bố Boston

Các quả bom mảnh đạn kim loại được kích hoạt gần vạch đích của cuộc marathon ở Boston có một lịch sử dài và đáng sợ.

Mảnh đạn là một thuật ngữ chung dùng để mô tả các mảnh vỡ tung ra từ một quả bom hoặc một thiết bị nổ. Các mảnh vụn này, thường bao gồm đinh, bạc đạn, kim hoặc các vật kim loại nhỏ khác, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thương vong sau vụ nổ của một quả bom loại này.

Vào những năm 1780, một trung úy Anh tên Henry Shrapnel đã chế tạo ra một quả pháo tầm xa chứa đạn chì được dùng như một kíp nổ chậm. Theo tạp chí The Wired, quả pháo này được chế tạo để phát nổ gần hoặc trên đầu binh lính địch, gây thương vong trên một diện rộng.

Sau khi loại vũ khí mới giúp Anh bảo đảm chiến thắng trước quân lính của Napoleon tại trận Waterloo năm 1815, Shrapnel đã được công nhận như một vị anh hùng dân tộc.

Ngày nay, các bom chứa mảnh vụn kim loại là một trong số các vũ khí ưa thích nhất của những kẻ khủng bố , đánh bom tự sát và phiến quân, vì chúng có thể được lắp đặt với chi phi thấp, dễ cất giấu, có thể gây hoảng loạn và gây đổ máu trên một khu vực rộng.

Có hàng chục biến thể của bom mảnh vụn kim loại, nhưng hầu hết đều theo thiết kế cơ bản của một quả bom hình ống: một đoạn thép rỗng bịt kín hai đầu; một thành phần chất nổ cấp thấp (thuốc súng hoặc một hợp chất hóa học nào đó) gắn với một đầu nổ; và các mảnh vụn kim loại nhồi vào bên trong ống thép.

Khi một vụ nổ nhỏ xảy ra, áp lực bên trong ống thép sẽ khuếch đại lực nổ, tạo ra một vụ nổ có sức công phá mạnh hơn nhiều.

Hãng tin AP đưa tin, các quả bom được sử dụng trong vụ tấn công ở Boston có chứa thuốc súng, đinh cỡ nhỏ và bạc đạn kim loại bên trong các nồi áp suất (loại nồi nấu có vung khóa tạo ra một môi trường áp suất cao không khác gì một quả bom ống).

Theo các chuyên gia, loại bom vụn kim loại tác động chết người kinh khủng nhất, bắn phủ cả khu vực bằng hàng nghìn vật nhỏ tựa những viên đạn.

Các bác sĩ phẫu thuật chấn thương và các chuyên gia quân đội mô tả tác động của một quả bom ống hoặc bom mảnh vụn kim loại theo 4 cấp độ.

Các vết thương loại 1 nhìn chung xảy ra ở các bộ phận cơ thể chứa không khí. Những người ở gần quả bom bị kích nổ thường bị thương ở phổi và bị thủng màng nhĩ.

Các vết thương loại 2 là do bị các mảnh đạn hoặc vật khác văng vào với tốc độ cao. Các vết thương tập trung ở các bộ phận đặc biệt trên cơ thể nạn nhân, phụ thuộc vào địa điểm đặt bom (chẳng hạn vào đầu hoặc ngực).

Nhiều nạn nhân trong vụ nổ kép ở Boston bị thương nặng ở chân, cho thấy bom được đặt ở hoặc sát mặt đất, theo CNN.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết, có tới 10% những người sống sót sau vụ nổ bị thương nặng ở mắt vì bị các mảnh vụn văng vào với tốc độ cao. Theo báo Boston Globe, một số bệnh nhân đã được đưa đến Bệnh viện Tai - Mắt Massachusetts để chữa trị.

Các vết thương loại 3 như gãy xương là do các nạn nhân bị sức nổ thổi văng đi. Loại vết thương thứ 4 bao gồm bỏng và các hiệu ứng nhiệt nóng của quả bom được kích hoạt.

Thương vong sẽ lớn hơn nếu một quả bom phát nổ ở phạm vi giới hạn, chẳng hạn như trên một chiếc xe buýt hoặc trong một tòa nhà khép kín, theo một bài báo năm 2010 trên Tạp chí về phẫu thuật có tên Journal of Trauma and Acute Care Surgery.

Các quả bom nhằm vào cuộc marathon ở Boston được kích hoạt ngoài trời nên có thể mức độ tác động của chúng đã giảm bớt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại