"Không cho phép gây gổ trước cửa nhà Trung Quốc"

Hôm nay 10-4, Tân Hoa Xã có bài cảnh báo dành cho 4 nước về bán đảo Triều Tiên, phê phán những hành động gây hấn của các bên, khiến cục diện leo thang trong thời gian vừa qua.

"Không cho phép gây gổ trước cửa nhà Trung Quốc"
Tình hình bán đảo Triều Tiên thêm nóng khiến Trung Quốc bất an

Tân Hoa Xã cho biết ngày 6-4, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-mon, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới cục diện căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nói rằng “không cho phép gây gổ trước cửa nhà Trung Quốc”.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề câu nói này nhằm ám chỉ ai? Chắc hẳn, mỗi người có một quan điểm khác nhau. Nhưng trong thời điểm cục diện bán đảo ngày một căng thẳng như hiện nay, xuất phát từ đại cục ổn định hòa bình của khu vực và bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc, cần thiết phải cảnh báo một số bên có liên quan đến vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên: Đừng ngộ nhận

Triều Tiên có hàng trăm lý do để tăng cường phát triển quân sự và khoa học kỹ thuật, sự quan tâm đối với an ninh quốc gia cũng là điều dễ hiểu, nhưng không có lý do nào để có thể vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đi thử nghiệm hạt nhân và sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo phóng vệ tinh. Quốc gia này có những trách nhiệm không thể chối cãi khi để cục diện bán đảo liên tục leo thang kể từ năm 2012 đến nay.

Triều Tiên có tình hình quốc gia đặc biệt, có nhu cầu chính trị, sự lựa chọn chính sách và lập trường chính trị riêng biệt, đây là vấn đề nội bộ của Triều Tiên, bên ngoài không có quyền can thiệp, nhưng nếu sự lựa chọn và mọi hành động, phát ngôn của Triều Tiên gây mâu thuẫn trên bán đảo, ảnh hưởng đến nền hòa bình và sự ổn định của khu vực, thì sẽ biến thành vấn đề quốc tế, không thể cho phép Triều Tiên khăng khăng làm theo ý mình. Cục diện bán đảo chưa chắc đã phát triển theo lộ trình và ý nguyện của Triều Tiên.

Mỹ: Chớ đổ dầu vào lửa

Xinhuanet cho rằng, vốn Mỹ nắm trong tay “thượng phương bảo kiếm” – nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên, trong các vấn đề an ninh như không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng có sự quan tâm hợp lý. Tuy nhiên, những hành động đơn phương trừng phạt, gây sức ép cho Triều Tiên vượt quá nghị quyết của Liên Hợp Quốc sẽ chỉ khiến cục diện bán đảo ngày càng xấu đi.

Mấy chục năm qua, Mỹ trừng phạt, gây sức ép, cô lập Triều Tiên, đây là một trong những căn nguyên gây mâu thuẫn trên bán đảo này.

Kể từ thập kỷ 1990 trở lại đây, chính sách Triều Tiên của các đời tổng thống Mỹ dao động giữa tiếp xúc và xa cách, khiến Triều Tiên nghi ngờ thiện chí của Mỹ, cho nước này cái cớ để vi phạm hiệp định.

Với vai trò là nước lớn có sức mạnh quốc gia và sức mạnh quân sự vượt xa Triều Tiên, Mỹ hoàn toàn chiếm thế thượng phong, bất kỳ hành động khoe khoang sức mạnh nào cũng chỉ khiến cục diện bán đảo căng thẳng thêm.

Hệ thống tên lửa Army Patriot Surface-to Air của Mỹ được đặt ở Hàn Quốc
Hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot của Mỹ ở Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Hạ nhiệt chứ đừng 'châm ngòi'

Xinhuanet phân tích, Hàn Quốc và Triều Tiên phân cách nhau qua vĩ tuyến 38° bắc, mặc dù có nước đồng minh là Mỹ “che ô bảo vệ”, nhưng an ninh lại vô cùng yếu.

Do vị trí địa lý của bán đảo và đặc điểm bố trí lực lượng quân sự, nếu bán đảo xảy ra bất kỳ xung đột gì hay chiến tranh đều sẽ khiến Hàn Quốc trở thành một trong những bên thiệt hại nặng nề nhất.

Hai miền nam bắc Triều Tiên đã từng có một thời gian tiếp xúc và qua lại, chính phủ mới Hàn Quốc cũng đã nhiều lần bày tỏ thái độ sẵn sàng thực thi các chính sách đối với Triều Tiên khác với những chính sách của chính quyền tổng thống Lee Myung-bak.

Trên cương vị là một trong hai bên đương sự của vấn đề bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc cần phát huy vai trò “hạ nhiệt” cho bán đảo chứ không phải là “châm ngòi” theo Triều Tiên hoặc Mỹ.

Nhật Bản: Đừng đục nước béo cò

Xinhuanet cảnh báo, mỗi lần Triều Tiên phóng thử vệ tinh hay tên lửa, Nhật Bản đều hung hăng bố trí cái gọi là “hệ thống đánh chặn”.

Đây chính là những hành động mượn cớ để điều chỉnh và tăng cường lực lượng quân sự. Trước đây trong tiến trình đàm phán 6 bên, lúc thì Nhật Bản đảm nhận vai trò của bên “nhiễu nhương”, trong một số vấn đề cá biệt liên tục gây rắc rối.

Chiến lược này có thể coi là hành động viện vào cái cớ “mối đe dọa” từ phía Triều Tiên để phát triển lực lượng quân sự và điều chỉnh chiến lược an ninh của Nhật Bản, điều này chỉ làm tăng thêm nhân tố phức tạp cho tình hình trong khu vực.

Nếu bán đảo Triều Tiên xảy ra xung đột, chiến tranh sẽ không phù hợp với lợi ích của bất cứ bên nào. Xung đột, chiến loạn sẽ đe dọa sự ổn định và nền hòa bình của khu vực, khiến mọi ý đồ của bên gây sự sẽ biến thành con số không.

Xinhuanet kết luận, cục diện bán đảo vẫn chưa leo thang đến mức đỉnh điểm, nhưng cũng đã gây nguy hại cho sự ổn định của khu vực. Tuyệt đối không được gây sự trước cửa nhà Trung Quốc tức là phải ngăn chặn vòng tuần hoàn ác tính của cục diện bán đảo, phản đối bất kỳ bên nào gây chuyện thị phi, phản đối những hành vi gây căng thẳng trên bán đảo, phản đối việc huênh hoang khoe khoang dùng vũ lực để giải quyết vấn đề. Bất kỳ lời phát ngôn hay hành động nào gây căng thẳng cho bán đảo đều cần khiển trách và phản đối.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại