Hoàng tộc ở Philippines giành đảo với Malaysia

Theo TNO |

Hơn 100 công dân Philippines có vũ trang bất ngờ xâm nhập đảo Borneo (Malaysia) để đòi lại miền đất từng thuộc tổ tiên họ.

Cuộc xâm nhập của những người tự xưng là “Quân đội hoàng gia vương quốc Sulu” diễn ra ngày 9/2 đã không gặp bất kỳ sự cản trở nào từ phía an ninh bang Sabah trên đảo Borneo. Sulu là một tỉnh tự trị, nằm trong Vùng tự trị Hồi giáo Mindanao, phía nam Philippines. Lâu nay, do cận kề về địa lý, cư dân Sulu dễ dàng nhập cảnh Sabah mà không cần hộ chiếu. 

Nhưng vụ xâm nhập với sự cầm đầu của em trai hoàng thân xứ Sulu là ông Ajbimuddin Kiram, khiến chính quyền bang Sabah bị chỉ trích kịch liệt vì sự lơ là về an ninh. Phe đối lập ra sức đòi Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Hishammuddin Hussein từ chức khi cuộc giằng co đã kéo dài 2 tuần.

Bản đồ khu vực căng thẳng
Bản đồ khu vực căng thẳng - Ảnh: Malaysia chronicle

Lực lượng an ninh Malaysia sau đó đã dồn những người Sulu nói trên vào một ngôi nhà ở làng Tanduo, gần thị trấn Lahad Datu tại Sabah, đồng thời ra hạn định đến ngày 22/2, nhóm này phải quy hàng và chịu bị trục xuất về Philippines. Người dân trong làng được sơ tán nhằm cô lập đường tiếp viện lương thực cho nhóm.

Đáp lại, hoàng thân xứ Sulu Jamalul Kiram III trong cuộc họp báo hôm 17/2 tuyên bố “thần dân” của ông sẽ không rời Sabah.

Về phía Philippines, hành động của nhóm Sulu được cho là có chủ mưu phá hoại tiến trình hòa đàm giữa chính phủ với Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro tại vùng Mindanao. 

Chính phủ nước này tuyên bố không can thiệp vào vụ việc mà chỉ đóng vai trò thuyết phục, cầu nối giữa các bên. Phủ tổng thống đã cử nhiều sứ giả đến thuyết phục hoàng thân Kiram III rút người về nước nhưng đều không thành.

Đến ngày 22/2, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario gửi công hàm đến người đồng cấp Malaysia Anifah Aman xin kéo dài thời hạn để nhóm Sulu chấp nhận đàm phán và rút lui. Đồng thời, hải quân Philippines đã đưa 6 tàu quân sự đến vùng biển Sulu, nhằm “ổn định tình hình” và vận chuyển những người Sulu bị trục xuất khi cần. 

Đáp lại, phía Malaysia đồng ý kéo dài hạn chót đến 24/2, giữa lúc nhóm Sulu ở làng Tanduo “phải ăn rễ cây cầm hơi”. Thế nhưng, trong cuộc điện đàm với em trai ngày 23.2, ông hoàng Karim III lại ra lệnh thuộc hạ “tiếp tục án binh”. Giới chức Philippines gọi hành động này là “vô trách nhiệm và khinh suất ”, trong khi Tổng thống Benigno Aquino kêu gọi ông Karim III “từ bỏ” việc đòi chủ quyền đối với Sabah.

Chủ quyền

Lật lại lịch sử, bang Sabah - trước đây có tên là Bắc Borneo  - được Quốc vương Brunei trao tặng cho Vương quốc Sulu năm 1704. Đến năm 1878, Quốc vương Sulu ký với một nghiệp đoàn Anh thỏa thuận trao quyền quản lý Sabah để đổi lấy 5.000 đô la Malaya mỗi năm. 

Con số này sau đó được nâng lên 5.300 đô la và bây giờ là 5.300 ringgit (36 triệu đồng). Bản thỏa thuận được mỗi bên diễn nghĩa một kiểu. Phía Anh hiểu Quốc vương Sulu đã từ bỏ chủ quyền đối với Sabah, trong khi phía Sulu hiểu là chỉ “cho thuê”. Vùng đất này sau đó chính thức thuộc về đế chế Anh vào năm 1946, rồi được trả độc lập.

Năm 1963, khi Liên bang Malaysia thành lập, người dân Sabah trong một cuộc trưng cầu đã đồng ý trở thành một phần của nước này. Cho đến nay, Đại sứ quán Malaysia tại Manila mỗi năm vẫn trả cho tỉnh tự trị Sulu 5.300 ringgit (36 triệu đồng). Dựa vào đó, hoàng thân Karim III cho rằng phía Malaysia vẫn đang thuê Sabah của “vương quốc” Sulu, và “sẽ cân nhắc đưa vấn đề chủ quyền lên LHQ và Tòa án Công lý quốc tế”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng số tiền 5.300 ringgit mà phía Malaysia vẫn trả “mang tính biểu tượng thiện chí” chứ không phải là thừa nhận chủ quyền của bất cứ bên nào khác đối với Sabah. 

“Vương quốc Sulu không còn tồn tại và cũng không được quốc gia nào trên thế giới thừa nhận. Vì vậy, nó không có quyền tài phán đối với bất kỳ phần đất nào ở Philippines cũng như Malaysia”, tiến sĩ Oh Ei Sun từ Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của Singapore phân tích.

Đến ngày 24.2, khi thời hạn quy hàng đã trôi qua, mọi nỗ lực hòa giải từ phía chính phủ hai nước vẫn chưa đi đến đâu, trong khi nhóm Sulu ở Sabah tiếp tục cố thủ. Theo truyền thông Malaysia, Bộ Ngoại giao nước này tiếp tục kéo dài thời hạn thêm 48 giờ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Hussein tuyên bố giao quyền hành động cho cảnh sát. Lực lượng này có thể tiến hành tấn công vào nhóm Sulu để kết thúc bế tắc. “Chủ quyền quốc gia và niềm tự hào của người dân Sabah không thể bị coi nhẹ”, ông nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại