'Gái nhảy' Đài Loan mua vui cho người chết

myle |

Diện chiếc váy ngắn chỉ đủ che hông, hai cô gái bước lên sân khấu, lắc cuồng nhiệt trong tiếng nhạc xập xình.

Khi mặt tiền ngôi đền liên tục thay đổi màu sắc giữa những màn pháo hoa sáng rực trên bầu trời Đài Loan, màn biểu diễn của các cô gái được đẩy lên cao trào với những động tác múa cột và thoát y trước mặt đông đảo khán giả bao gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

"Công việc này thực sự vất vả nhưng tôi cần phải kiếm sống", En En, 18 tuổi, vừa nói vừa thở dốc sau vũ điệu bốc lửa trong một lễ hội tôn giáo gần đây.

En En chỉ kiếm được 3.000 TWD (100 USD) cho màn biểu diễn của mình. Cô bắt đầu trên sân khấu nhưng kết thúc giữa vòng vây của đám đông khán giả và để mặc cho những gã đàn ông thỏa sức vuốt ve cơ thể cô để đổi lấy tiền bo.

gai-nhay-dai-loan-mua-vui-cho-nguoi-chet

Các cô gái múa thoát y thu hút sự chú ý của đám đông nam giới, phụ nữ và trẻ em, tại một lễ hội tổ chức ở ngôi đền phía bắc Đài Loan.

Tín ngưỡng dân gian ở Đài Loan là một sự pha trộn độc đáo của tâm linh và sự trần tục. Một trong những điểm đặc biệt nhất của tín ngưỡng này là thuê các "gái nhảy" trình diễn tại lễ hội, đám cưới và thậm chí cả đám tang.

Những cô gái này làm việc trên những chiếc "xe hoa điện tử" - những chiếc xe tải được trang trí bắt mắt bằng đèn và thiết bị âm thanh để có thể biến thành sân khấu di động, cho phép họ vừa di chuyển vừa biểu diễn, thường là tại những thành phố nhỏ và các vùng nông thôn.

"Nhóm các cô gái này thu hút sự chú ý của đám đông tại các sự kiện của chúng tôi. Họ biểu diễn cho thánh thần và những linh hồn để cầu phước cầu an", Chen Chung-hsien, một chức sắc tại đền Wu Fu, nơi thờ đạo Lão tại phía bắc Đài Loan, cho biết.  "Họ đã trở thành một phần văn hóa tín ngưỡng và dân gian của chúng tôi".

Ở tuổi 26, Chiang Pei-ying được xem là một vũ công kỳ cựu với gần 20 năm kinh nghiệm, chu du khắp Đài Loan cùng cha và hai chị gái để kiếm cơm bằng cái nghiệp của gia đình: mua vui cho khán giả - cả người sống lẫn người chết.

Chiang bắt đầu đi diễn từ khi còn học mẫu giáo, vì cô rất thích hát múa trên sân khấu. Cô nhanh chóng trở nên nổi tiếng cùng hai chị gái và kiếm được đến 80.000 TWD (gần 3.000 USD) chỉ với 20 phút biểu diễn.

Chiang nói rằng cô thích công việc của mình, dù đôi lúc cô phải gặp phải những yêu cầu éo le từ các khách hàng như đi quanh quan tài hay hát cho người chết tại các đám tang.

"Tôi đã chứng kiến cảnh này từ lúc còn bé nên chúng chẳng có gì đặc biệt với tôi cả. Biểu diễn cho người chết thì cũng giống như biểu diễn cho người sống mà thôi", Chiang bình thản nói. "Họ thích hát khi họ còn sống và người thân của họ nghĩ rằng, họ cũng muốn có ai đó hát cho nghe lúc giã từ trần thế. Còn tôi, tôi kiếm được tiền và cũng hy vọng tích phúc".

gai-nhay-dai-loan-mua-vui-cho-nguoi-chet

Các vũ công nóng bỏng đã trở thành một phần văn hóa tín ngưỡng và dân gian của người Đài Loan.

Tuy nhiên, các vũ công khác không kiếm được nhiều tiền như Chiang và có xu hướng giữ kín nghề nghiệp của mình hơn, đặc biệt là những vũ công thoát y, do lo sợ bị bắt. Múa thoát y rất hiếm khi diễn ra trước công chúng vì hoạt động này bị xem là phạm pháp.

Tuy nhiên, múa thoát y một phần vẫn được biểu diễn tại các lễ hội, những bữa tiệc và lễ tang cá nhân, theo tiết lộ của những người trong nghề.

"Một số người rất chuộng các vũ trường, vì thế khi họ qua đời, người nhà tổ chức biểu diễn múa thoát y để tái hiện sở thích khi còn sống của người thân", Chiang Wan-yuan, cha của Pei-ying và là một "lão làng" 30 năm trong nghề này cho biết.

Rất khó để tưởng tượng một buổi biểu diễn tương tự diễn ra bên ngoài một nhà thờ ở châu Âu. Một số nhà phê bình địa phương đã lên án hoạt động có từ những năm 1970 này là gây sốc và thô tục.

Trong khi đó, những người "thoáng" hơn chỉ nhìn nhận hoạt động này là một sự mở rộng tự nhiên của văn hóa dân gian truyền thống, thiếu sự phân định rạch ròi giữa tình dục và tín ngưỡng, cũng là điều thường thấy ở những nơi khác trên thế giới.

Marc Moskowitz, một nhà nhân chủng học tại đại học Nam Carolina, cho rằng hoạt động này được phát triển từ quan niệm "nóng bỏng và ồn ào" mang nhiều ý nghĩa tích cực của Trung Quốc.

"Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc và văn hóa Đài Loan đương đại, hoạt động này dành cho một sự kiện vui vẻ hoặc đáng nhớ, đông người và ồn ào", Moskowitz, người đã ra mắt bộ phim tài liệu "Nhảy múa cho người chết" vào năm 2011 nói.

Ông thêm rằng hầu hết những người xem tác phẩm của ông đều thích nó và công nhận tập tục này là "một hiện tượng văn hóa thú vị và độc đáo", điều mà bản thân ông cũng chỉ tìm thấy ở Đài Loan.

"Khi tôi xem những màn biểu diễn này, tôi đánh giá cao ý tưởng tôn vinh cuộc sống của một ai đó để giúp xoa dịu cảm giác đau buồn", ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại