Không lâu sau khi các mạng truyền hình lớn của Mỹ loan tải thông tin từ các nguồn tin chính thống rằng vệ tinh của Triều Tiên đã "mất kiểm soát" thì Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lại tung ra một quan điểm đối lập hoàn toàn.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok tuyên bố trước các phóng viên nước này rằng "vào thời điểm này, vệ tinh của Triều Tiên đang hoạt động bình thường".
Theo đó, vệ tinh của Triều Tiên mất 95,4 phút để hoàn tất một vòng quanh quỹ đạo với tốc độ khoảng 6,4 km/giây. Sự khác biệt trong phân tích giữa Mỹ và Hàn dường như tập trung vào loại quỹ đạo của vệ tinh khi nó xoay quanh ở độ cao trên 482km so với bề mặt trái đất.
Lee Sung-yoon, giáo sư trường Fletcher thuộc đại học Tufts ở Medford, Massachusetts, Mỹ lập luận rằng Triều Tiên "vẫn chưa phát triển được một vệ tinh hoạt động đầy đủ dù nước này dường như đã thành công trong công nghệ đẩy tên lửa đạn đạo".
Trong khi đó, thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc lại đưa thông tin, những phân tích tại Viện Nghiên cứu không gian Hàn Quốc cho thấy, các kỹ sư Triều Tiên muốn đưa vệ tinh vào quỹ đạo tròn song nó hiện giờ lại ở quỹ đạo elip. Như vậy, vệ tinh của Triều Tiên không phải bị mất kiểm soát.
Ông Lee Kyu-su tại Học viện trên nhận định, Triều Tiên có thể chỉnh sửa vòng quay của vệ tinh, vốn nặng 100kg, với sự trợ giúp của máy tăng thế loại nhỏ, thứ mà Triều Tiên không có.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, bí ẩn lớn nhất ở đây là vệ tinh của Triều Tiên thực sự đang làm gì trên đó. "Hiện không rõ, vệ tinh của Triều Tiên đang thực hiện sứ mệnh gì. Thường phải mất hai tuần để đánh giá xem một vệ tinh hoạt động có thành công không".
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc không quan tâm nhiều tới thiết bị mà vệ tinh mang theo và liệu vệ tinh này có hoàn thành sứ mệnh được giao hay không mà thay vào đó là họ chú ý tới khả năng của Triều Tiên trong việc phóng một vật như vậy từ tên lửa tầm xa.
Theo đó, việc đáng tập trung quan tâm là tên lửa Triều Tiên có biến hành một phương tiện cho vũ khí hủy diệt hàng loạt không, và một đầu đạn hạt nhân sẽ được thay cho một vệ tinh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tới Seoul để dự hội nghị của Viện Asan tại đây thì Triều Tiên có lẽ chưa tiến bộ lớn trong chương trình của mình dù tên lửa ba tầng của nước này về mặt lý thuyết có tầm khoảng 12.000 km, đủ để mang đầu đạn chạm tới bờ tây của Mỹ.
Vassily Mikheev, thuộc Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Nga cho rằng, sự dựa dẫm vào công nghệ cũ có nghĩa là vụ phóng của Triều Tiên là "một thất bại". Ông Mikheev, tại hội nghị Asan nhận xét, công nghệ Scud là dành cho "tên lửa nhỏ" do đó nó không đáng tin khi áp dụng cho một tên lửa ba tầng.
"Sẽ còn phải thảo luận về việc vụ phóng thành công tới đâu. Mỹ phóng đại mọi chuyện để tìm tài trợ cho hệ thống chống tên lửa của chính họ".