Tờ The Conversation của Australia mới đây đăng tải bài viết của TS Mark Staniforth - Giảng viên nghiên cứu cấp cao tại Đại học Monash về nạn “chảy máu cổ vật” và sự bất cập trong công tác khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam.
Việt Nam có hàng ngàn km bờ biển, nằm trên "con đường tơ lụa trên biển" chạy từ Trung Quốc sang phía Tây thông qua biển Đông với các hoạt động hàng hải đã diễn ra từ cách đây 2.000 năm. Vì vậy, không thể biết được đã có bao nhiêu vụ đắm tàu xảy ra trong lịch sử.
Rất nhiều xác tàu đắm có thể được coi là “khó báu” vì lưu giữ nhiều hiện vật khảo cổ rất có giá trị. Tuy nhiên, đất nước này đã đấu tranh rất vất vả để bảo tồn di sản văn hoá dưới nước của mình.
Có rất ít thông tin chi tiết và hệ thống về những con tàu cổ bị đắm, cũng như các trang web có nội dung về di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam. Hầu như không có chương trình khảo sát khảo cổ học hàng hải nào được thực hiện, dù theo phỏng đoán số di chỉ khảo cổ dưới nước của Việt Nam có thể lên đến hàng nghìn.
Thật không may, các hoạt động khảo cố dưới nước tại Việt Nam trong quá khứ thường được thực hiện bởi các “thợ săn kho báu”, hoặc cộng tác với họ, thay vì sử dụng các nhà khảo cổ học chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, một số lượng lớn di sản văn hóa dưới nước đã được bán đấu giá, ví dụ như hàng nghìn hiện vật gốm từ những xác tàu cổ ở Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Thuận và Hội An.
Việc đặt ra giá bán trên các cổ vật dẫn đến một nhận thức sai lệch trong người dân rằng, các cổ vật đó chủ yếu mang giá trị tiền tệ, thay vì được coi là một phần của di sản văn hóa dân tộc.
Chỉ một phần nhỏ số cổ vật thu được dưới biển Việt Nam đưa đưa vào các bảo tàng trong nước.
Gần đây, một xác tàu đắm đã được tìm thấy ở vùng biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Nhà nghiên cứu Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết, các chuyên gia đã xác nhận con tàu đắm này có niên đại từ thế kỷ 14, nhưng họ không thể khám phá nhiều hơn do thiếu thốn về nhân lực và trang thiết bị.
Và kết quả, theo báo chí Việt Nam là ngư dân địa phương đã ồ ạt mò trộm các cổ vật khác nhau từ xác tàu để đem bán. Thực sự không có gì ngạc nghiên khi những ngư dân nghèo ở địa phương đã coi con tàu đắm là thứ tài sản mà biển cả ban tặng và tự cho mình quyền sở hữu những gì thuộc về nó.
Trong những năm gần đây, ngành khảo cổ Việt Nam đã loại bỏ dần sự hợp tác với các “thợ săn kho báu”. Nhưng họ vẫn rất thiếu những chuyên gia được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm về quản lý di sản văn hoá dưới nước và các nhà khảo cổ học hàng hải chuyên nghiệp, cũng như các trang thiết bị và cơ sở hạ tầng để bảo tồn các di sản này.
Hiện nay chỉ có rất ít hoặc thậm chí là không có các chương trình giảng dạy chính thức về khảo cổ học hàng hải tại các trường đại học của Việt Nam và chỉ có một vài nhà khảo cổ học của chính phủ được đào tạo về lĩnh vực này, chủ yếu bằng các khóa học ở nước ngoài.
Tại một hội thảo thường niên của ngành khảo cổ học được tổ chức tại Hà Nội gần đây, Giáo sư Tống Trung Tín, Giám đốc của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã bày tỏ mối quan ngại của mình về khả năng tiến hành nghiên cứu nghiêm túc các con tàu đắm do thiếu kinh phí, nguồn nhân lực và thiết bị.
Việt Nam có một Viện Khảo cổ học quy củ tại Hà Nội, với các nhà khảo cổ trên mặt đất được đào tạo rất tốt và có kinh nghiệm, nhưng lại không có một nhà khảo cổ học dưới nước đúng nghĩa nào cả. Rõ ràng, nếu muốn giữ gìn và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, họ cần phải đẩy mạnh đào tạo và đầu tư trang thiết bị phục vụ công việc khảo cổ học dưới nước ở giai đoạn hiện tại.
Bắt đầu từ tháng 11/2012, Dự án Di sản văn hóa dưới nước tại Việt Nam sẽ cung cấp cho ngành khảo cổ Việt Nam các khóa đào tạo được công nhận trên phạm vi quốc tế của Hiệp hội Khảo cổ học hàng hải (NAS). Dự án này sẽ giúp nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, tỉnh thành và quốc gia về tầm vóc và giá trị của di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam. Nó sẽ giúp Việt Nam bảo tồn các di sản văn hoá của mình một cách hiệu quả hơn.