Hà Nội - niềm tự hào của người Việt với bạn bè năm châu - bấy lâu nay vẫn được xem là điểm dừng chân lý thú của khách du lịch nước ngoài.
Họ tìm tới nơi đây, vừa là để chiêm ngưỡng, cảm nhận không gian cổ kính ngàn năm vẫn được gìn giữ trọn vẹn, cũng là để tận hưởng và chiêm nghiệm nhịp sống sôi động của một thủ đô hiện đại. Nét cổ kính đan xen vẻ hiện đại thể hiện ở mỗi ngõ ngách, mỗi phố phường, mỗi con người, mỗi cảnh sắc Hà Nội.
Chắc hẳn vì sức hút lạ kỳ của mảnh đất này, chẳng những báo ta mà báo “Tây” cũng liên tục khai thác đề tài tưởng chừng “nguội” mà chưa bao giờ hết “nóng” về Hà Nội.
Mới đây, mục Du lịch trên Thời báo Hoàn cầu (Global Times), Trung Quốc cũng có bài viết khá xúc tích và ý nghĩa về Hà Nội: “Chuyến du lịch kỳ diệu ở Hà Nội, Việt Nam”. Những dòng giới thiệu ngắn gọn, cô đọng; những hình ảnh dung dị, đời thường về cảnh sắc, con người thành phố trong bài viết đủ sức toát lên sức hút và nét đặc trưng của mảnh đất rồng thiêng Hà Nội.
Bài viết chia sẻ, Hà Nội là thủ đô, cũng là thành phố lớn thứ hai của Việt Nam, nằm ở phía Tây Bắc Bộ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Dòng sông này chầm chậm chảy qua thành phố.
Đây là một thành phố cổ kính có bề dày ngàn năm lịch sử với văn vật phong phú, danh lam thắng cảnh phân bố rải rác khắp nơi. Hà Nội được gọi với cái tên thật đẹp: “ngàn năm văn hiến”.
Theo trang này, tháng tư chính là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm để đi du lịch Hà Nội. Khí hậu trong thành phố thật dễ chịu, cây cối tươi tốt, hoa tươi đua nở, thật xứng là một “Bách hoa xuân thành”. Ngoài ra, Hà Nội còn sở hữu rất nhiều những địa điểm du lịch nổi tiếng.
Hãy cùng dạo qua “Bách hoa xuân thành” này qua những hình ảnh dung dị mà ý nghĩa trên Thời báo Hoàn Cầu:
Chợ rau trên phố Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm hút hồn du khách nhờ cảnh sắc tuyệt đẹp.
Những “thầy đồ” bên ngoài Văn Miếu.
Du khách đang cầu phúc trong Văn Miếu.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà thờ Lớn – giáo đường cổ và tiêu biểu của Hà Nội.
Một cô gái trẻ trung, hiện đại đang đứng cạnh khu vực Nhà thờ Lớn.
Phố cổ Hà Nội, còn được gọi với cái tên quen thuộc: “Ba sáu phố phường”.
Cửa vào Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Một góc chùa Trấn Quốc, Hà Nội.