Tờ The Nation xuất bản tại Thái Lan ngày 15/7 đăng bài phân tích của nhà báo kỳ cựu Vint Chavala với tiêu đề "Campuchia đã đẩy ASEAN vào một tương lai nguy hiểm". Bài viết phân tích khá sâu sắc nguyên nhân sự đổ vỡ của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh vừa qua với trách nhiệm của một Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Trong bài báo, tác giả cũng
phân tích rất rõ những xảo thuật mà phía Trung Quốc đã sử dụng nhằm cố
tình gây chia rẽ nội bộ ASEAN để phục vụ một âm mưu xuyên suốt, độc
chiếm biển Đông thành ao nhà.
Chỉ vì đầu óc cục bộ, Campuchia đã phá vỡ mối liên kết nội khối ASEAN. Trong 45 năm lịch sử hoạt động của mình, chưa bao giờ một Hội nghị Ngoại trưởng của khối không ra được thông cáo chung sau khi thảo luận.
Ảnh chụp màn hình bài phân tích của nhà báoVint Chavala
Trong quá khứ đã có rất nhiều quãng thời gian khó khăn và xuất hiện bất đồng trong nội bộ ASEAN nhưng chưa bao giờ dẫn đến một kết cục đổ vỡ không ra được thông cáo chung như hội nghị vừa rồi.
Khi tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay, Campuchia đã thực hiện một lập trường kiên quyết về vấn đề biển Đông thay vì cố gắng tìm kiếm những điểm chung giữa tất cả các bên liên quan như các nước Chủ tịch ASEAN đã từng làm trong quá khứ.
Campuchia, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN đã quyết định đặt lợi ích riêng của quốc gia mình lên trên sự đoàn kết nội khối. Về lâu dài, điều này sẽ phản tác dụng đối với cả Campuchia và ASEAN.
Động thái đó cũng có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của Campuchia cho nỗ lực giành 1 ghế không thường trực vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong năm tới. Sớm muộn gì Campuchia sẽ nhận ra rằng hành động của họ đã hủy hoại uy tín của khối ASEAN như thế nào.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần đầu tiên không thể ra được thông cáo chung là vì Campuchia không làm tròn trách nhiệm của một Chủ tịch luân phiên khối
Trong sự thiếu vắng một bản thông cáo chung về những cuộc thảo luận (của các Ngoại trưởng ASEAN), hành động không thể được thực hiện trên hàng chục quyết định bởi vì thiếu một văn bản chính thức, và ban Thư ký ASEAN sẽ không thể làm bất cứ điều gì về nó. ASEAN cần ngay lập tức khắc phục hậu quả.
Kể từ giai đoạn mở rộng thành viên khối ASEAN những năm 1995 – 1999, ngày càng nhiều quan chức thừa nhận, đặc tính và cách làm việc của ASEAN đã thay đổi rất nhiều đối với việc kết nạp các thành viên mới có bối cảnh chính trị và các thông lệ khác nhau. Chỉ có Campuchia là khó khăn hơn trong việc gia nhập ASEAN vì những nguyên nhân lịch sử của nó.
Chính vì vậy Campuchia là thành viên cuối cùng được thừa nhận gia nhập khối ASEAN trong năm 1999. Khi Campuchia trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN, nước này đã nhanh chóng phát triển mối quan hệ với Trung Quốc, một “kẻ thù” trước đó của Phnom Penh.
Trong 12 năm qua, Campuchia và Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ song phương, hợp tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết, Trung Quốc cũng đã phát triển một mối quan hệ chặt chẽ với Campuchia và bằng cách nào đó, quan hệ Campuchia – Trung Quốc đã đi xa hơn một chút so với phần còn lại của ASEAN.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và người đồng cấp Campuchia ông Hor Namhong trao đổi riêng bên lề cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, Trung Quốc sẽ là cung cấp một “hỗ trợ tuyệt vời” để đẩy mạnh phát triển kinh tế và vị trí của Campuchia trong khu vực. Ông Hun Sen mong muốn được công nhận là một nhà lãnh đạo đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước mình cũng như khu vực.
Kể từ khi Campuchia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN, quan hệ Campuchia – Trung Quốc được dư luận quan tâm đặc biệt. Người ta chú ý đến phản ứng của Phnom Penh đối với vấn đề biển Đông đang gây căng thẳng giữa một số nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.
Trong khi Philippines và Việt Nam luôn nỗ lực nâng cao vai trò, tiếng nói của ASEAN trong vấn đề biển Đông trước Trung Quốc, tuy nhiên với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Campuchia đã luôn tìm cách cản trở hoặc phá vỡ bất kỳ “chủ đề nhạy cảm” nào đối với vấn đề này.
Thống nhất và đoàn kết nội khối ASEAN là điều quan trọng nhất cho sự sống còn của cộng đồng khối cũng như việc bảo lưu các khả năng thương lượng của khối. Nếu mỗi thành viên ASEAN sau đó chỉ chăm chăm lợi ích riêng của nước mình như Campuchia, ASEAN sẽ không có tương lai.
Mỗi thành viên của khối ASEAN được phép theo đuổi lợi ích riêng của họ, đó là sự đồng thuận và không can thiệp công việc nội khối giữa các thành viên ASEAN. Nhưng không có nguyên tắc nào của ASEAN cho phép Chủ tịch luân phiên thực hiện điều này mà không cần xem xét tiếng nói của đa số các thành viên khác.