Bắc Kinh nóng chuyện cấm xe biển chẵn-lẻ

myle |

Đề xuất nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đang gây tranh cãi.

bac-kinh-nong-chuyen-cam-xe-bien-chanle

Xe cộ tắc nghẽn trên một đoạn đường cao tốc quanh Dongzhimen ở Bắc Kinh ngày 26/9.

Ủy ban Giao thông của thành phố cho biết, các nhà chức trách sẽ xem xét cấm các xe có biển số chẵn và lẻ luân phiên tham gia giao thông  "tại những thời điểm cụ thể ở những khu vực cụ thể".

Một biện pháp tương tự đã được áp dụng 2 tháng trong kỳ Thế vận hội 2008 nhằm giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông và cải thiện chất lượng không khí. Theo các nhà chức trách, giao thông đã giảm 21% ở các tuyến đường chính, và tốc độ di chuyển trung bình tăng khoảng 27% trong vòng một tháng khi biện pháp kể trên được thực hiện.

Tuy nhiên, biện pháp này đã không được thực thi kể từ sau Olympics.

Mặc dù rất nhiều quy định đã được áp dụng, các nhà chức trách vẫn không thể giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Bắc Kinh, buộc họ phải tính đến các ý kiến khác - theo Chen Yanyan, một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Giao thông thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh.

Hiện có hơn 5 triệu phương tiện trên đường phố Bắc Kinh, một thành phố hơn 20 triệu người, khiến cho địa bàn này trở thành nơi giao thông ách tắc nhất ở Trung Quốc.

Lái xe hiện đang bị cấm chạy xe mỗi tuần một ngày, tính theo con số cuối cùng của biển số. Một số biện pháp khác nhằm ngăn chặn tắc nghẽn giao thông - chẳng hạn như tăng phí đỗ xe và hạn chế cấp đăng ký xe mới ở mức 20.000 chiếc một tháng - cũng đã được áp dụng.

Theo giáo sư Chen, nếu được thông qua, đề xuất mới sẽ có thể có tác động lớn hơn so với các giới hạn khác.

"Một đặc điểm chính của ách tắc giao thông ở Bắc Kinh là nó rất khác nhau ở các thời điểm và khu vực khác nhau", bà đánh giá.  "So với các biện pháp trước, biện pháp này linh động và thuận lợi hơn trong việc kiểm soát số lượng xe".

Wang Limei, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Đường bộ Trung Quốc, nhận xét  "Tôi nghĩ là phải thận trọng. Nó có thể giúp giảm bớt giao thông về ngắn hạn, nhưng không thể giải quyết được tận gốc vấn đề".

"Giờ đây các lái xe bị cấm tham gia giao thông một ngày mỗi tuần, điều đó có thể chấp nhận được. Nếu họ chỉ được phép lái xe theo các ngày luân phiên, nó có thể gây ra nhiều bất tiện hơn, và nhiều người rất có thể sẽ mua thêm một chiếc ôtô nữa để tránh quy định".

Fan Xiaole, một thương gia ở Bắc Kinh, cho rằng biện pháp kể trên sẽ gây phiền toái cho người dân.

"Tôi không nghĩ nó có thể giải quyết được vấn đề giao thông của Bắc Kinh. Các biện pháp tương tự đã được áp dụng, nhưng không biện pháp nào hiệu quả. Người giàu có thể mua 2 hoặc thậm chí 4 chiếc xe để tránh quy định biển số chẵn-lẻ".

Liu Fuli, một chuyên gia độc lập về tắc nghẽn giao thông, cho rằng các vấn đề về quản lý và quy hoạch thành phố cũng gây ra những vấn đề giao thông nghiêm trọng ở Bắc Kinh.

"Ví dụ, rất nhiều nhà nhỏ ở thành thị bị phá đi và thay thế bằng các tòa nhà thương mại cao tầng, thu hút khối lượng giao thông lớn hơn nhiều", ông nói.

Quan điểm của Liu cũng được phản ánh trong một báo cáo về phát triển xã hội ở Bắc Kinh, được Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh đưa ra hôm 24/10. Báo cáo nói rằng hơn một nửa tổng khối lượng giao thông của thủ đô tập trung ở Đường Vành đai 3, một phần rất nhỏ trong tổng diện tích của thành phố.

Theo bản báo cáo, nguyên nhân gốc rễ của tắc nghẽn giao thông nằm ở quy hoạch sai lầm. Mặc dù Bắc Kinh đã bắt đầu một kế hoạch xây dựng 14 thành phố vệ tinh từ đầu năm 1993, các thành phố mới này đều im ắng do thiếu các biện pháp hỗ trợ, trong khi hoạt động kinh tế ở khu vực trung tâm thành phố liên tục phát triển.

Báo cáo đề nghị tăng cường một hệ thống đánh gia giao thông áp dụng cho tất cả các dự án lớn trong thành phố. Mặc dù hệ thống này đã được áp dụng từ vài năm trước, báo cáo nói rằng nó thường không được thực hiện một cách hiệu quả.

Giáo sư Chen tại Trung tâm Nghiên cứu Giao thông cho rằng, các quan chức ngành giao thông nên có cách quản lý tinh vi hơn.  "Các biện pháp nhằm đối phó với tắc nghẽn cần phải linh hoạt và thuận lợi trước sự thay đổi về nhu cầu giao thông, thay vì được thực hiện một cách cứng nhắc không có chút sửa đổi nào".

Cải thiện các dịch vụ giao thông công cộng là yếu tố then chốt trong giải quyết tắc nghẽn giao thông ở Bắc Kinh, bà nhận định và nói thêm:  "Nếu mọi người có thể tiếp cận thuận tiện với giao thông công cộng, các biện pháp hành chính như hạn chế sử dụng xe hơi sẽ dễ được chấp nhận hơn".

Bắc Kinh đã áp dụng một loạt các biện pháp nhằm phát triển giao thông công cộng. Thành phố đang nhắm tới mở rộng mạng lưới tàu điện ngầm lên 440km trong năm nay, có thể so với các thành phố lớn như London.

Vài nghìn chiếc xe đạp công cũng sẽ được triển khai trên khắp các khu vực đô thị ở thủ đô, và con số dự kiến sẽ đạt 50.000 chiếc trong những năm tới.

Bất chấp các biện pháp kể trên, các dịch vụ giao thông công cộng của thành phố vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt là tàu điện ngầm vốn luôn quá tải.

"Giao thông công cộng đòi hỏi một chu trình xây dựng lâu dài", bà Chen nhận xét.  "Trong 5 đến 10 năm tới, khi mạng lưới tàu điện ngầm được cải thiện, tôi tin rằng tắc nghẽn giao thông ở Bắc Kinh sẽ giảm bớt nhiều".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại