Màu đỏ tượng trưng cho cách mạng ở Trung Quốc và “đường dây đỏ”, mạng lưới dùng cho những chỉ thị quan trọng và những thông tin tối mật, mang hai ý nghĩa. Trước tiên, là bởi thiết bị được dùng có màu đỏ. Nhưng cái tên cũng gợi đến sự thật là chúng chỉ được lắp đặt trong văn phòng của hàng trăm quan chức của Đảng Cộng sản, chính phủ Trung Quốc cũng như chủ tịch các công ty nhà nước, các lãnh đạo cấp cao của các hãng truyền thông.
Một hệ thống mật mã đặc biệt được sử dụng trong mạng “đường dây đỏ” để đảm bảo an ninh.
Ông Bạc Hy Lai (ngồi dưới) trong bức ảnh chụp hồi tháng 3 năm nay.
Vụ Bạc Hy Lai “ngã ngựa” gia tăng ngờ vực ông đã dính líu tới việc nghe lén “đường dây đỏ” này. Theo một quan chức cấp cao của một công ty nhà nước Trung Quốc, những cáo buộc này được đề cập trong biên bản nội bộ vào ngày 11/4 của Văn phòng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và được gửi cho các quan chức cấp cao trong đảng, chính phủ.
Quan chức này, người đã được xem biên bản, cho biết rất nhiều quan chức cấp cao nhất ở Trung Quốc, trong đó có Phó chủ tịch Tập Cận Bình, là nạn nhân bị nghe lén.
Ông Bạc Hy Lai khi đó muốn tìm kiếm một chân trong Ban thường vụ Bộ chính trị, cơ quan trụ cột của Đảng. Khắp Trung Quốc tràn lan thông tin cho rằng ông Bạc tìm kiếm thông tin về các động thái của các nhân vật có khả năng được bổ nhiệm vào trong Ban thường vụ.
Theo một cựu quan chức của thành phố Đại Liên, nơi ông Bạc từng làm thị trưởng, ông Bạc Hy Lai từng ra lệnh cho cấp dưới nghe lén điện thoải của Chủ tịch Giang Trạch Dân khi ông đi thị sát thành phố này.
Một vụ việc khác cũng gây ra phản ứng tiêu cực của các nhà lãnh đạo cấp cao là ông Bạc đã đi thị sát quân đoàn 14 của Quân khu Thành Đô đóng ở tỉnh Vân Nam ngay sau khi ông Vương Lập Quân chạy tới lãnh sự quán Mỹ. Quân đoàn này do cha ông Bạc Hy Lai, Bạc Nhất Ba, cựu phó thủ tướng Trung Quốc thành lập và nổi tiếng có mối quan hệ gắn bó với gia đình ông Bạc.
“Có tin đồn rộ lên là ông Bạc đang xúi giục một cuộc đảo chính” một nguồn tin quân sự cho biết vào thời điểm đó.