Các bức ảnh về những dòng tóm tắt của cảnh sát đã xuất hiện tràn ngập trên báo vào ngày hôm nay, 25/8.
Julian Assange phát biểu từ ban công tòa đại sứ Ecuador tại London ngày 19/8.
Một cảnh sát bên ngoài sứ quán Ecuador ở London bị chụp ảnh mang bản tài liệu viết tay có đóng dấu “hạn chế”.
Tài liệu cho biết người sáng lập WikiLeaks sẽ bị bắt “bằng mọi giá” nếu ông ta bước ra bên ngoài sứ quán, nằm trong tòa nhà cạnh đại siêu thị hạng sang Harrods ở quận Knightsbridge.
Tài liệu cũng cho biết nếu công dân người Australia, 41 tuổi, tìm cách rời sứ quán Ecuador bằng xe, dưới sự miễn trừ ngoại giao hoặc trong một chiếc túi ngoại giao, thì cũng bị bắt.
“Tài liệu là những dòng ghi chép của một sĩ quan dự một cuộc họp”, người phát ngôn cảnh sát Anh cho biết.
“Mục đích của chúng tôi là bắt Julian Assange vì đã vi phạm quy định tại ngoại. Dưới bất kỳ trường hợp nào việc bắt giữ như thế cũng không vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao.”
Bản tài liệu bị lộ.
Assange đã tới sứ quán Ecuador ở Anh vào ngày 19/8 để xin tị nạn sau khi ông đã dùng mọi lựa chọn pháp lý tại Anh để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, nơi ông đang bị yêu cầu xuất hiện để thẩm vấn về các cáo buộc tấn công tình dục. Và Quito đã chấp nhận cho ông tị nạn.
Assange sợ nếu bị dẫn độ về Thụy Điển, ông sẽ bị chuyển cho Mỹ, đất nước đã bị ông làm bẽ mặt vì tiết lộ hàng ngàn tài liệu mật của chính phủ.
Anh cho biết họ có trách nhiệm pháp lý dẫn độ Assange cho thành viên Liên minh châu Âu Thụy Điển, nếu ông này rời sứ quán Ecuador.
Tài liệu cũng cảnh báo về “khả năng bị làm sao nhãng”, tức những người ủng hộ Assange có thể gây lộn xộn, tạo thời cơ cho Assange rời đi.
Hôm qua, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ đã tuyên bố “đoàn kết và ủng hộ” cho Ecuador trong vụ Assange. Cuộc họp của tổ chức này đã được tiến hành theo yêu cầu của Ecuador, nhằm xem xét một nghị quyết phản đối bất kỳ nguy cơ nào đối với sứ quán “bất khả xâm phạm” của nước này tại London và nghị quyết đã được thông qua.