Mỗi lần có dịp về thăm quê hương Việt Nam, tôi đều thấy rất nhiều người trong số họ hàng của tôi ngày càng giàu hơn và béo thêm, nhất là đối với những đứa trẻ luôn được chiều chuộng. Một người chị họ của tôi cũng có một đứa con bị béo phì. Khi được hỏi vì sao chị lại cho con ăn quá nhiều như vậy, chị nhún vai: “À, hồi trước, bọn chị gần như chẳng bao giờ đủ ăn. Bây giờ, khi đã có tiền, chị sẽ cho con ăn những thứ nó thích.”
Vậy là, quan điểm này đã khiến con chị có cơ hội được “thưởng thức” rất nhiều loại đồ ăn nhanh từ các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ. Món ăn cùng đồ uống ưa thích nhất của cậu bé là "Pizza và Coca", cậu trả lời với vẻ vui sướng ra mặt.
Những cậu bé Trung Quốc quảng cáo cho một hãng đồ ăn nhanh của Mỹ.
Ngoài vị ngon của các thực phẩm chứa nhiều chất béo và nước ngọt, còn một lý do khác tạo nên sự thành công đồ ăn nhanh trong việc lấn sâu vào thị trường tại các nước vốn được biết đến với những món ăn tuyệt vời. Nếu như ở Mỹ, đồ ăn nhanh kiểu này được những người thuộc tầng lớp nghèo ưa chuộng vì sự tiện lợi và giá cả phải chăng, thì tại châu Á, loại đồ ăn này lại là sự lựa chọn của những người giàu có với thu nhập cao.
Đối với một công nhân lao động bình thường tại Việt Nam, với thu nhập chỉ vài USD một ngày, một bữa ăn tại nhà hàng KFC là hết sức xa xỉ. Tuy nhiên, đối với những người có tiền, bữa tối tại một nhà hàng Pizza Hut có máy lạnh tại những khu trung tâm thương mại hào nhoáng ở Hà Nội hay Sài Gòn không đơn giản chỉ là thử cho biết. Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng, đó là thưởng thức đồ ăn nhanh của Mỹ cũng chứng tỏ họ có tiền.
Một nhà văn người Mỹ gốc Hoa đã phản ánh xu hướng hiện
đại này trong một truyện ngắn hài hước có tên: "Khi chú gà cao bồi đặt
chân tới thành phố". Đó là câu chuyện về một cặp đôi giàu có tại đất
nước Trung Quốc đang dần tư bản hóa, đã đặt tiệc cưới tại một nhà hàng
đồ ăn nhanh vừa khai trương tên là "Chú gà Cao bồi" để khoa trương bản
thân, trong khi người Hoa có đến 150 bí quyết nấu món gà ngon hơn.
Dù rất hài hước, nhưng câu chuyện trên cũng muốn gửi tới một thông điệp buồn, về thực trạng con người sẵn sàng vứt bỏ đi cả kỹ thuật truyền thống có từ nghìn năm nay để thay thế bằng một thứ mới hơn, trong trường hợp này là món gà tẩm bột ngô rán kỹ được phục vụ trong những chiếc hộp giấy.
Nếu như các món ăn bình dân và khẩu vị truyền thống là
những nạn nhân đầu tiên trong thế giới nơi đồ ăn nhanh và nước ngọt
đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ẩm thực với một tốc độ đáng báo
động, nạn nhân cuối cùng vẫn là sức khỏe của người dân địa phương.
Theo thống kê Tổ chức Y tế Thế giới, tại các nước đang phát triển, có tới 1 tỷ người suy dinh dưỡng. Nhưng mặt khác, tại các nước này, số người thừa cân cũng cao không kém. Ít nhất khoảng 300 triệu người trong số đó bị mắc bệnh béo phì, và chi phí chữa trị các căn bệnh do chứng béo phì gây ra luôn rất lớn.
Mặc dù tỷ lệ người thừa cân tính trên toàn bộ dân số của Trung Quốc chỉ vào khoảng 5%, nhưng tại các thành phố lớn, tỷ lệ này lên tới 20%. Nếu so với Mỹ, tỷ lệ người béo phì ở Trung Quốc là tương đối thấp. Tuy nhiên với tổng dân số vào khoảng 1,35 tỷ người, 5% vẫn tương đương với 70 triệu người thừa cân ở quốc gia Đông Á này.
Dường như, người Trung Quốc không chỉ đang đuổi sát người Mỹ về kinh tế, mà còn cả về thân hình to lớn. Theo Bộ Y tế nước này, so với 30 năm trước, trung bình chiều cao của những cậu bé 6 tuổi ở thành phố ngày nay đã tăng khoảng 6,4cm, nhưng cũng nặng hơn tới 3kg. "Trung Quốc hiện đã bước vào thời đại của béo phì", nhà nghiên cứu sức khỏe trẻ em hàng đầu tại Trung Quốc, Ji Chengye, nói trong cuộc phỏng vấn với tờUSA Today. "Tốc độ tăng của bệnh này đến mức chóng mặt." Ngoài ra, Trung Quốc hiện có gần 100 triệu người mắc bệnh tiểu đường.
Về lĩnh vực này, Việt Nam cũng đang theo sát Trung
Quốc. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong khi 28% trẻ em nông thôn Việt
Nam bị suy dinh dưỡng, thì tại thành phố, có tới 20% trẻ em mắc bệnh
béo phì.
Tại Việt Nam, mọi thứ đến từ phương Tây đều được cho là thời thượng. Đề cập đến tình trạng này, một trí thức đã ví von rằng, nó giống như việc "bán cả một khu rừng để mua về một tập giấy".
Một người họ hàng của tôi tại Hà Nội, khi nói về thứ anh ấy thích nhất ở Mỹ, đã nói rất nhanh rằng: "Cà phê Starbucks". Tất nhiên, anh ấy cũng biết Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất cà phê, chỉ sau Brazil. Hơn thế, tại thành phố nơi anh ở, cứ một đoạn phố là lại thấy một quán cà phê.
Ngày nay, người ta thường thấy các bài báo viết về sự suy thoái của chủ nghĩa tư bản phương Tây và sự trỗi dậy của châu Á, cũng như việc làm thế nào mà Trung Quốc ngày một trở nên mạnh hơn trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, người ta cũng sẽ băn khoăn rằng liệu những điều này có đúng hay không. Bởi lẽ, ngay cả khi đang suy thoái, Mỹ vẫn có thể "xuất khẩu" được lối sống "thời thượng" cho các nước khác trên thế giới bằng những phương tiện hết sức tinh vi, từ phim ảnh, âm nhạc, thời trang, và ẩm thực, thậm chí, là cả vấn đề béo phì của người Mỹ nữa.
Theo Vnexpress.net