Thế giới vứt đi 100 tỷ USD mỗi năm chỉ vì lãng phí thực phẩm

Thế giới hôm nay |

Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong một thế giới mà cứ 9 người thì có 1 người không được tiếp cận đầy đủ thực phẩm lành mạnh.

Xung đột, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thiên tai - biến đổi khí hậu... là những yếu tố đang khiến cho nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu gia tăng. Thế nhưng có một nghịch lý đang diễn ra, đó là mỗi năm, hơn 30% sản lượng lương thực của hành tinh đã bị hết hạn hoặc bị vứt bỏ trước khi đến tay người tiêu dùng. Con số này tương ứng với 1,3 tỷ tấn lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ.

Lãng phí thực phẩm dẫn tới lãng phí về tiền bạc. Nói đơn giản thì mỗi năm thế giới vứt đi 100 tỷ USD chỉ vì lãng phí thực phẩm. 250 tỷ m3 nước được dùng để sản xuất số thực phẩm này cũng bị lãng phí theo. Thêm vào đó, quá trình sản xuất thực phẩm chưa từng được tiêu thụ này đã tạo ra khoảng 10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, cao hơn nhiều so với lượng phát thải từ các chuyến bay thương mại.

Trong số các nhóm thực phẩm, theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giai đoạn 2021-2022, trái cây và rau củ bị thất thoát và lãng phí nhiều nhất. Trong khi đó, nhóm ngũ cốc và đậu hạt bị vứt bỏ ít nhất. Đáng nói, lãng phí thực phẩm là vấn đề không của riêng quốc gia hay khu vực nào. Đóng góp vào sự lãng phí này, các nước công nghiệp phát triển ở châu Á chiếm đến 28%, Nam Á và Đông Nam Á 19%, châu Phi 17%, châu Âu 17%, Mỹ 12% và Mỹ Latinh 7%.

Nhiều quốc gia nỗ lực giảm lãng phí thực phẩm

Với những thống kê mà chúng ta vừa thấy, giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm sẽ giúp giải quyết cùng lúc 3 vấn đề: khí hậu, an ninh lương thực và tính bền vững của hệ thống lương thực toàn cầu.

Thế giới vứt đi 100 tỷ USD mỗi năm chỉ vì lãng phí thực phẩm - Ảnh 1.

Do đó, các quốc gia trên thế giới cũng đang đẩy mạnh nỗ lực chống lãng phí thực phẩm bằng những chính sách, các mục tiêu ràng buộc…

Mới đây nhất, vào đầu tháng này, Ủy ban châu Âu đã đề xuất một dự thảo luật, trong đó đặt mục tiêu ràng buộc cho mọi thành viên EU phải giảm 30% rác thải thực phẩm tổng thể trong các cửa hàng, nhà hàng và hộ gia đình tính theo đầu người vào cuối năm 2030, so với mức của năm 2020. Các quốc gia EU cũng sẽ phải cắt giảm 10% thực phẩm bị lãng phí trong quá trình chế biến và sản xuất vào cuối thập kỷ. EU cũng đang nghiên cứu một hệ thống ghi nhãn rõ ràng hơn về thời gian sử dụng "tốt nhất" và "hạn sử dụng" để tránh việc người tiêu dùng vứt bỏ thực phẩm vẫn có thể ăn được.

Pháp

Ở phạm vi quốc gia, năm 2016, Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm các siêu thị lãng phí và buộc các nhà bán lẻ lớn tặng đồ ăn không bán được, hoặc phải đối mặt với mức phạt là hơn 3.700 euro. Pháp cũng đặt mục tiêu giảm 50% chất thải thực phẩm vào năm 2025.

Italy

Ngay sau Pháp, Hạ viện Italy đã thông qua luật chống lãng phí thực phẩm, vốn gây thiệt hại cho Italy 2 tỷ euro mỗi năm. Điều luật mới khuyến khích nông dân, công ty chế biến thực phẩm và thương nhân tặng thực phẩm dư thừa thay vì vứt bỏ, tuy nhiên phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với luật này, Italy mong muốn nâng số lượng thực phẩm dư thừa quyên góp từ 550.000 tấn lên 1 triệu tấn để cứu trợ 6 triệu người gặp khó khăn.

Thế giới vứt đi 100 tỷ USD mỗi năm chỉ vì lãng phí thực phẩm - Ảnh 2.

Tây Ban Nha

Trong khi đó, theo luật của Tây Ban Nha, tất cả công ty liên quan đến sản xuất và cung cấp thực phẩm phải có kế hoạch giảm thiểu chất thải thực phẩm, nếu không họ có thể bị phạt tới 60.000 euro và lên tới 500.000 euro nếu tái phạm.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, Chính phủ đã xây dựng một chính sách cơ bản nhằm cắt giảm thực phẩm lãng phí. Từ đó các chính quyền địa phương sẽ xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể riêng. Luật này cũng kêu gọi một "phong trào toàn quốc" để thực hiện việc giảm số lượng thực phẩm bị bỏ phí bằng cách phối hợp giữa các chính quyền địa phương, cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trung Quốc

Ngày 10/4 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố siết chặt kiểm soát các bữa tiệc tại khách sạn, nhất là những bữa tiệc có giá 1.500 Nhân dân tệ/người (220 USD) trở lên. Các khách sạn, nhà hàng sẽ phải quy định số lượng thức ăn giới hạn phục vụ cho mỗi buổi tiệc, đồng thời có các điều khoản chặt chẽ, chi tiết về dịch vụ ẩm thực nhằm chống lãng phí.

Đây được coi là động thái mới nhất trong việc nỗ lực duy trì chính sách từ năm 2013 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà mọi người thường gọi là "đĩa sạch". Kể từ đó đến nay, nước này liên tục áp dụng những chính sách cứng rắn nhằm giảm lượng thực phẩm bị lãng phí, bao gồm việc loại bỏ những video "ăn thùng uống vại" từng tràn lan trên mạng xã hội.

Tủ lạnh tình thương

Ngoài các chính sách hay hình thức xử phạt được chính phủ các nước đưa ra, rất nhiều tổ chức cũng đã tự tìm ra những sáng kiến góp phần cắt giảm lãng phí thực phẩm và giúp người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Thế giới vứt đi 100 tỷ USD mỗi năm chỉ vì lãng phí thực phẩm - Ảnh 3.

Mới đây nhất, một tổ chức phi lợi nhuận ở Geneva, Thụy Sĩ đã triển khai các tủ lạnh chứa thực phẩm miễn phí trên đường phố, để người dân có thể lấy hoặc cho đi thực phẩm.

Những chiếc tủ như thế đang có mặt trên các đường phố tại Geneva, nó được dán chữ "Free-Go". Đúng như tên gọi, chiếc tủ lạnh công cộng chào đón bất kỳ ai, từ người vô gia cư, người già, đến sinh viên đại học, người qua đường… đến lấy trái cây, rau, bánh mì, bánh ngọt… và mang về nhà hoàn toàn miễn phí.

Bà Shala Moradi - 65 tuổi: "Ý tưởng này thật tuyệt. Tôi có thể lấy dâu tây, anh đào… hữu ích".

Trong khi đó, các chủ nhà hàng và những người khác cũng có thể tận dụng dự án này để cho đi những thực phẩm sắp hết hạn hoặc có nhiều quá mà dùng không hết.

Bà Severine Cuendet - 54 tuổi chia sẻ: "Tôi đến để giao cà chua vì chúng tôi có một vườn rau. Chúng tôi có nhiều quá, và đây là cơ hội để chia sẻ. Đó cũng là niềm vui và rất có ích vì có rất nhiều nhu cầu ở khu phố này".

Thực phẩm được mọi người cho đi thường được lấy hết trong vòng một giờ. Vì lý do sức khỏe và quy định, mọi người không được phép để thực phẩm đông lạnh, hộp đựng thực phẩm đã mở nắp, thức ăn chế biến sẵn hoặc rượu trong tủ lạnh. Trong khi đó, những người đóng góp thực phẩm phải cam kết đảm bảo thực phẩm quyên góp là an toàn.

Thế giới vứt đi 100 tỷ USD mỗi năm chỉ vì lãng phí thực phẩm - Ảnh 4.

Ban đầu dự án chỉ có 1 tủ lạnh duy nhất đặt bên ngoài trung tâm cộng đồng, ở phía tây Geneva, nhưng giờ số lượng đã tăng lên 4 chiếc. Chiếc tủ lạnh thứ 5 cũng đang được lên kế hoạch. Chương trình tốn khoảng 40.000 USD để hoạt động mỗi năm và nhận được sự hỗ trợ từ cả các nhóm từ thiện và chính quyền thành phố.

Anh Marine Delevaux - Giám đốc dự án Free-Go cho biết: "Đây là một mạng lưới tủ lạnh tự phục vụ để giảm lãng phí thực phẩm ở Geneva, đồng thời nâng cao nhận thức của các hộ gia đình, giảm tác động của chúng ta đối với môi trường và củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng".

Free-Go cũng đang thử nghiệm hình thức đưa tủ lạnh đến các khu chung cư để cư dân dễ dàng tham gia chương trình hơn.

"Điều này rất quan trọng bởi trên thế giới hiện nay 1/3 sản lượng lương thực bị bỏ đi. Ở Thụy Sĩ, gần 2,8 triệu tấn đồ ăn bị vứt đi mỗi năm. 40% lượng rác thải này là từ các hộ gia đình. Vì vậy, chúng tôi cố gắng thông qua dự án này để tiếp cận trực tiếp với các hộ gia đình", anh Marine Delevaux nói.

Họ cũng thiết lập một "đường dây nóng" để các chủ nhà hàng có thể gọi nhờ thu hồi thực phẩm chưa sử dụng. Chiếc tủ lạnh đầu tiên ở Geneva đã giúp tiết kiệm khoảng 3,2 tấn thực phẩm khỏi bị lãng phí vào năm ngoái. Trong số các thực phẩm được mọi người cho đi, chỉ khoảng 3% phải vứt bỏ vì không ai muốn dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại