Hooligan là thuật ngữ không hề xa lạ với người hâm mộ, dùng để chỉ những người hay nhóm người thường xuyên có hành động côn đồ và phá hoại ở các trận đấu bóng đá. Những hành vi bạo lực này tồn tại dưới rất nhiều dạng, như ném vật dụng nguy hiểm hay pháo sáng xuống sân, tấn công cầu thủ hay ẩu đả các CĐV đội bóng đối phương.
Hooligan có xuất phát điểm từ nước Anh, lan rộng khắp châu Âu và hiện trở nên phổ biến đặc biệt tại khu vực Đông Âu. Đông Nam Á cũng không nằm ngoài "vùng phủ sóng" của hiện tượng xã hội nguy hiểm này mà 2 vụ việc kể trên được xem là tiêu biểu.
Người Anh có nhiều trải nghiệm đau thương, mất mát với hooligan nên đã và đang kiểm soát chặt chẽ vấn nạn này. Thảm họa sân Heysel ở Brussels - Bỉ năm 1985 làm thiệt mạng 39 người và hơn 600 người bị thương trong trận chung kết UEFA Cup giữa Liverpool và Juventus.
14 CĐV Liverpool đã phải hầu tòa vì chủ động gây sự, dẫn đến bi kịch lớn nhất trong lịch sử bóng đá. Các CLB Anh bị cấm tham dự cúp châu Âu 5 mùa (riêng Liverpool 6 mùa), kéo bóng đá Anh xuống vực sâu mà phải mất nhiều năm sau mới gượng lại được.
Sân Stade de France hoảng loạn với vụ đánh bom tháng 11-2015Ảnh: Eurosport
Theo chân các CLB hoặc đội tuyển quốc gia ở những chuyến làm khách xa nhà, các CĐV Anh vẫn thường xuyên gây hấn. Các nhóm hooligan Nga - Anh "trao đổi nghiệp vụ" dữ dội hồi EURO 2016 tại TP Lens khiến cảnh sát chủ nhà Pháp hết sức đau đầu.
Ở cấp độ CLB, xe chở đội bóng Man City bị các CĐV Liverpool tấn công tháng 4-2018 trên đường đến sân Anfield đá tứ kết Champions League. Chai thủy tinh, lon kim loại và pháo khói được ném vào xe đội khách, rất may thầy trò HLV Guardiola không ai bị thương dù hậu quả khá nghiêm trọng: Man City bị Liverpool chọc thủng lưới 3 bàn chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút!
Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa quên ký ức kinh hoàng của vụ tấn công vào sân Stade de France và nhiều địa điểm khác tại thủ đô Paris - Pháp vào trung tuần tháng 11-2015, không lâu trước khi vòng chung kết EURO 2016 khai mạc.
Các vụ đánh bom khủng bố trong đêm 13-11 năm ấy khiến 129 thường dân thương vong, suýt khiến vòng chung kết EURO 2016 bị hủy bỏ nếu không có quyết tâm cao độ của UEFA và nước chủ nhà Pháp.
Tình báo và an ninh Pháp thất bại thảm hại trong việc ngăn chặn các hoạt động tội phạm nhắm vào Paris dù tổng thể vụ đánh bom có hơi hướng khủng bố hơn là các hành vi bạo lực giới hạn ở phạm vi sân bóng đá.
Không chỉ dừng ở các hành vi nguy hiểm kể trên, hooligan giờ đây còn biến tướng qua hình thái khác: Phân biệt chủng tộc… Tháng 12-2018, R.Sterling của Man City bị CĐV chủ nhà Chelsea dùng lời lẽ miệt thị, nhắm vào màu da của anh.
Các đoạn video clip, chuyên gia đọc khẩu hình đóng góp nhiều vào việc điều tra để 1 người bị cấm đến sân vĩnh viễn, 5 CĐV khác bị cấm đến sân Stamford Bridge từ 1-2 mùa. Mới đây, cựu cầu thủ M.U là Lukaku đã bị các CĐV của Cagliari giả tiếng khỉ kêu khi anh chuẩn bị sút phạt đền.
Cựu cầu thủ Barcelona Malcom đầu quân cho Zenit nhưng bị chính CĐV đội bóng Nga đả kích vì màu da, phải rời đi chỉ sau 3 ngày. Cựu tiền đạo Chelsea Demba Ba đã phải lên tiếng kêu gọi các cầu thủ da màu tẩy chay Serie A để không bị phân biệt đối xử ngay tại đội bóng của mình.
Những người có trách nhiệm ở LĐBĐ Indonesia mới đây đã phải khẩn thiết "cầu xin" phía Malaysia không báo cáo vụ việc tại sân Gelora Bung Karno hôm 5-9 lên FIFA và AFC. Án phạt nghiêm khắc là không thể tránh khỏi với bóng đá Indonesia và vụ việc sân Hàng Đẫy đêm 11-9 chính là lời cảnh báo dành cho những nhà quản lý bóng đá Việt Nam.
Không xử đến nơi đến chốn vụ việc kinh hoàng này, chẳng ai có thể bảo đảm không xảy ra chuyện tương tự khi sắp tới, tuyển Việt Nam còn tiếp đón các đội khách tại vòng loại World Cup 2022 và nhiều sự kiện quốc tế khác trên sân nhà.