Gấp rút chuẩn bị trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2
Mỹ và Triều Tiên đang bận rộn chuẩn bị các khâu cuối cùng cho Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tại Hà Nội.
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đang tiếp tục đàm phán chuẩn bị cho đến phút cuối cùng trước hội nghị thượng đỉnh để đạt được thỏa thuận sơ bộ về nội dung của Tuyên bố chung.
Tại các cuộc đàm phán, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Washington đang tìm cách hành động nhanh và bằng những "ảnh hưởng lớn" để phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/2 khẳng định, chưa có bất kỳ sự thỏa hiệp nào đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Triều Tiên. Ngoại trưởng Pompeo khẳng định phi hạt nhân hóa vẫn là mục tiêu chính của Washington và nêu rõ Mỹ sẽ không giảm sức ép đối với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã nhấn mạnh ông không vội vã trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, chừng nào Bình Nhưỡng vẫn kiềm chế các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Điều này làm dấy lên các đồn đoán rằng người đứng đầu Nhà Trắng đang hạ thấp kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tổng thống Trump cũng nói rõ ràng rằng đây chưa phải là cuộc gặp cuối cùng với nhà lãnh đạo Triều Tiên, song coi ông Kim Jong-un là một đối tác "có thể hợp tác".
Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa cam kết mà hai nhà lãnh đạo đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Thông điệp cứng rắn Tổng thống Putin gửi tới Mỹ
Ngày 20/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang thường niên trước Hội đồng Liên bang Nga với sự tham gia của 1.000 khách mời. Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 90 phút, Tổng thống Putin tập trung phác thảo mục tiêu phát triển kinh tế và sức mạnh quân sự quốc phòng Nga.
Bên cạnh những kết quả đáng kể về kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước, Thông điệp Liên bang năm nay của Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga đã tạo ra sự đột phá về kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng cũng như lên tiếng cảnh báo Mỹ liên quan tới Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tổng thống Putin khẳng định Nga đang tiến tới chế tạo các loại tên lửa siêu thanh Zircon, Avangard, Kinzhal, tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat và hạ thuỷ tàu ngầm không người lái hiện đại Poseidon vào đầu năm sau. Hạm đội Nga sẽ được phiên chế 7 tàu ngầm và 5 tàu chiến trong thời gian tới đây.
Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin một lần nữa nhấn mạnh vũ khí Nga là để bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và đáp trả những mối đe dọa đối với nền an ninh của đất nước, đồng nghĩa với bảo vệ người dân Nga.
Đề cập đến mối quan hệ với Mỹ, Tổng thống Nga coi đây là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với nước này. Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo nếu Washington triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại châu Âu, động thái này sẽ “làm trầm trọng thêm tình hình an ninh quốc tế” và tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của Nga. Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng một số loại tên lửa của Mỹ chỉ mất 10-12 phút để bay tới Moskva.
Tổng thống Putin đảm bảo Nga sẽ không là quốc gia đầu tiên triển khai tên lửa tầm trung tại châu Âu.
Trong thông điệp liên bang, nhà lãnh đạo Nga cho biết Mỹ đã vi phạm các quy định INF, cụ thể như việc triển khai bệ phóng tương thích tên lửa hành trình Tomahawk tại miền Đông châu Âu và sử dụng tên lửa tầm trung trong các cuộc thử nghiệm chống tên lửa. Tổng thống Putin chỉ trích việc Mỹ đơn phương rút khỏi INF và nhấn mạnh không giống Mỹ, Nga không hề phát triển công nghệ kỹ thuật bị cấm trong hiệp ước INF.
Hiệp ước INF được Liên Xô ký với Mỹ vào ngày 8/12/1987. Hiệp ước cấm các bên tham gia ký kết nghiên cứu phát triển các tên lửa tầm trung có tầm phóng 1.000-5.000km.