Trong một báo cáo của Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), 10 tháng qua, Trái đất ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục so với cùng thời điểm những năm trước. Từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,58oC so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900.
Nhận định về những kỷ lục nhiệt độ liên tục bị phá, Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess cho biết: “Xu hướng dài hạn với những kỷ lục khiến chúng tôi rất lo ngại”. Theo bà Burgess, điều này cho thấy khí hậu đang thay đổi nhanh chóng.
Theo bộ dữ liệu của C3S, năm 2023 là năm nóng nhất hành tinh trong kỷ lục toàn cầu kể từ năm 1850. Điều này đã ảnh hưởng tới tình hình ở nhiều khu vực trên thế giới.
Hạn hán do biến đổi khí hậu ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon đã gây ra một số vụ cháy rừng kỷ lục ở Venezuela từ tháng 1 đến tháng 3, trong khi hạn hán ở Nam Phi đã xóa sổ mùa màng và khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói.
Vào tháng trước, các nhà khoa học cũng cảnh báo sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt có khả năng đang diễn ra ở Nam bán cầu bởi mực nước ấm lên.
C3S cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nắng nóng đặc biệt này do khí thải nhà kính mà con người gây ra. Cùng với đó, các yếu tố khác như El Nino cũng làm tăng nhiệt độ. Mặc dù El Nino đã giảm bớt trong tháng 3 nhưng nhiệt độ mặt nước biển trung bình trên thế giới vẫn đạt mức cao kỷ lục trong bất kỳ tháng nào được C3S ghi nhận. Cùng với đó, nhiệt độ không khí biển vẫn cao bất thường.
Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: “Nguyên nhân chính của sự nóng lên là khí thải nhiên liệu hóa thạch”. Bà cũng nói thêm việc không giảm lượng khí thải này sẽ tiếp tục thúc đẩy hành tinh nóng lên, dẫn đến hạn hán, hỏa hoạn, nắng nóng và lượng mưa nhiều hơn.