Họ có 7 người, thuộc ban lãnh đạo Hiệp hội các tay vợt tennis chuyên nghiệp mà ta quen gọi tắt là ATP. Khi đó, ATP mới được thành lập được khoảng 9 tháng, từ tháng 09/1972.
Một bên gồm đương kim vô địch Wimbledon Stan Smith thì muốn thi đấu. Bên còn lại gồm có nhà vô địch US Open 1968 là Arthur Ashe thì muốn tẩy chay giải đấu. Tiến hành bỏ phiếu, tỉ số là 3-3, vì ông chủ tịch Cliff Drysdale cuối cùng vẫn là người quyết định: tẩy chay. 79 tay vợt là thành viên của ATP rút lui khỏi Wimbledon 1973, trong đó có 13/16 tay vợt hạt giống. 3 tay vợt hạt giống không đồng lòng tẩy chay giải cùng các đồng nghiệp của họ là Ilie Nastase, Roger Taylor và Ray Keldie về sau bị ATP phạt.
Đoàn kết để bảo vệ nhau
Các tay vợt thuộc ATP tẩy chay Wimbledon 1973 là để ủng hộ Niki Pilic, một thành viên của ATP, tay vợt bị Liên đoàn tennis Nam Tư không cho dự Wimbledon vì đã cáo ốm không dự giải Davis Cup với đội tuyển Nam Tư trước đó. Nguyên nhân sâu xa hơn: các tay vợt muốn có sự độc lập. Ngày nay, các tay vợt muốn dự giải nào đó chỉ cần thỏa mãn yêu cầu duy nhất: xếp hạng đủ cao theo quy định của giải. Nhưng ngày trước, một tay vợt muốn dự các giải đấu thì phải có sự cho phép của liên đoàn tennis nước họ. Nếu không làm vừa lòng liên đoàn thì chỉ có ở nhà, dẫu có chơi hay đến đâu, như trường hợp của Pilic.
Năm 1928, tay vợt 10 lần vô địch Grand Slam người Mỹ Bill Tilden bị các quan chức cấm thi đấu ở giải trong nước vì viết các bài báo về tennis, điều các tay vợt nghiệp dư không được làm. Nếu làm vậy thì anh không còn là tay vợt nghiệp dư nữa, và không được đấu ở các giải nghiệp dư do Liên đoàn tennis Mỹ tổ chức. Sau một thời gian lời qua tiếng lại, Liên đoàn Mỹ gửi lệnh cấm liên tịch đến 34 nước khác thuộc Liên đoàn tennis quốc tế (ITF), khiến tay vợt nam nổi tiếng nhất thể giới chẳng còn được đấu giải nào.
Ngay cả đến kỷ nguyên mở bắt đầu vào năm 1968, sự kiểm soát của ITF và các liên đoàn quốc gia với các tay vợt vẫn còn rất nặng nề. Năm 1972, tiền thưởng ở các giải Grand Slam rẻ bèo, nhiều tay vợt tính chuyện chuyển nghề thì hệ thống giải đấu World Champoinshep Tennis (WCT) của tư nhân tổ chức nổi lên, thu hút nhiều tay vợt ký hợp động tham gia. ITF sợ mất quân, chỉ đạo các liên đoàn cấm các tay vợt tham gia vào WCT. “Chúng tôi, các tay vợt, cảm thấy rất bị kẹt giữa hai luồng quyền lực”, Drysdale nhớ lại. Và năm 1972 đó, 85 tay vợt đã hội lại lập ra ATP để bảo vệ quyền lợi cho chính họ, với huyền thoại Jack Kramer làm giám đốc điều hành, Drysdale làm chủ tịch. Khi vụ của Pilic nổi lên, ATP quyết định đấu tranh cho Pilic được dự Roland Garros năm 1973 nhưng không được. Và họ quyết định đấu tranh tiếp.
Chọn Wimbledon làm “chiến trường”
ATP quyết định chọn Wimbledon 1973 làm “chiến trường” vì tất cả những người liên quan đến tennis đều cảm thấy đây là giải mà tất cả các tay vợt đều không muốn vắng mặt. Chứ chọn giải nhỏ nào khác làm “chiến trường” thì cuộc đấu tranh của ATP không có sức nặng. “Đó là những đêm dài mất ngủ với nhiều người trong chúng tôi”, Drysdale nhớ lại, “Chúng tôi không đấu tranh vì tiền, mà vì những nguyên tắc đúng đắn cho cuộc đời”.
Sự kiện 79 tay vợt tẩy chay Wimbledon 1973 bị giới truyền thông chỉ trích nặng nề. Các khán giả Anh năm đó đến giải rất đông để ủng hộ cho giải, chứ không ủng hộ cho những kẻ nổi loạn. Sự thật thì đó là giải đông khán giả thứ nhì Wimbledon trong thập kỷ đó. Tay vợt vô địch đơn nam Wimbledon 1973 là Jan Kodes, người Tiệp Khắc, trước đó đã hai lần vô địch Roland Garros và một lần vào chung kêt US Open. Kodes đánh bại tay vợt Liên Xô Alex Metreveli trong trận chung kết. Đến từ Đông Âu, cả Kodes và Metreveli đều không là thành viên của ATP và không biết gì về cuộc binh biến này. Mà nếu biết thì họ cũng không dám tham gia vì tham gia là không có đường về nhà.
Dù có thất bại về mặt dư luận nhưng cuộc binh biến đó là một thắng lợi quan trọng cho các tay vợt trong môn thể thao của họ. ITF bị rung động hoàn toàn, từ đó không còn áp đặt hay chỉ đạo các liên đoàn quốc gia áp đặt lên các tay vợt nữa. Không lâu sau, hệ thống tính điểm ATP Ranking ra đời phục vụ cho việc xếp thứ hạng tay vợt, quyết đinh các tay vợt được thi đấu ở giải đấu nào.
Và cũng trong thời gian ngắn sau đó, một tổ chức gọi là Men’s Tennis Council được lập ra, gồm các đại diện của ATP, của ITF và của giám đốc các giải đấu, để điều hành hệ thống các giải đấu nam. Năm 1990, ATP hoàn toàn thay thế Men’s Tennis Council để điều hành hệ thống giải đấu, quyền lực giờ chia sẻ giữa các tay vợt và các ông chủ giải, vai trò của ITF và liên đoàn quốc gia không còn trong hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp. ITF giờ vẫn còn vai trò trong các giải Grand Slam, dưới sức ép của các tay vợt, hàng năm vẫn phải tăng tiền thưởng đều đều. Quyền lực các tay vợt hiện có là nhờ vào cuộc binh biến táo bạo cách đây tròn 40 năm…