Thế giới sẽ ra sao khi hiệp ước INF “không thể cứu vãn”?

Trí Đức |

Mỹ tuyên bố ý định bắt đầu rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2/2 tới. Nga khẳng định nước này có quyền đưa ra những biện pháp đáp trả phù hợp nếu Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước này.

Ngày 1/2, Washington có ý định bắt đầu rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2/2 tới. Hồi cuối năm 2018, Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước lịch sử này vì "họ (Nga) vi phạm hiệp ước này trong nhiều năm qua".

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định nước này có quyền đưa ra những biện pháp đáp trả phù hợp nếu Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

Trả lời phỏng vấn kênh Rossiya 1, bà Zakharova nói: "Nếu phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đưa ra quyết định cuối cùng và rút lui khỏi hiệp ước INF, Moskva có quyền đưa ra phản ứng thích hợp cùng các biện pháp đáp trả và dĩ nhiên chúng tôi sẽ làm như vậy".

Tuyên bố mới nhất của Nga và Mỹ về Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cho thấy không thể có cơ hội để cứu vãn thỏa thuận này. Nguyên nhân còn phải tranh cãi nhiều, song giờ đây câu hỏi thực tiễn hơn là thế giới sẽ ra sao sau INF? Liệu có còn hy vọng khôi phục sự kiểm soát vũ khí hay không?

Theo bài viết của Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề đối ngoại Andrey Kortunov, rõ ràng trong vài năm tới, bất kỳ thỏa thuận mới nào đề cập đến vũ khí chiến lược sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Trước hết là bối cảnh chính trị trong quan hệ Nga-Mỹ không có bất kỳ cuộc đàm phán cụ thể nào, thậm chí một cuộc gặp tiếp theo mà suốt nửa năm qua hai lãnh đạo vẫn không thể nhất trí được.

Ngoài ra, khủng hoảng chính trị trong nội bộ nước Mỹ chắc chắn sẽ biến bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow thành mục tiêu đối đầu giữa Nhà Trắng và phe đối lập. Cuối cùng, ở phương Tây lẫn phương Đông đều không có một phong trào phản chiến mạnh mẽ có thể buộc lãnh đạo coi việc kiểm soát vũ khí như một trong những ưu tiên đối ngoại của họ.

Do vậy, Nga, Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung sẽ phải vượt qua "vùng chết" kéo dài, khi mọi nỗ lực khôi phục kiểm soát toàn diện đối với vũ khí chiến lược sẽ có rất ít cơ hội để thành công. Khó mà dự đoán "vùng chết" đó sẽ kéo dài bao lâu.

Nó có thể kéo dài cho đến cuối nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đến đầu chu kỳ chính trị tiếp theo tại Nga hoặc đến cuộc khủng hoảng vùng Vịnh tiếp theo...

Tuy nhiên, chắc chắn vấn đề vũ khí hạt nhân không thể được giải quyết nếu thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ. Rủi ro xung đột sẽ tăng, chi phí kinh tế cho chạy đua vũ khí sẽ tăng và ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích.

Điều đó có nghĩa là sớm hay muộn, hai bên cũng sẽ phải quay trở lại bàn đàm phán. Như vậy, nhiệm vụ của thời điểm hiện tại là để cho giai đoạn tạm dừng ngắn nhất và việc quay trở lại thỏa thuận ít phức tạp nhất. Như vậy đòi hỏi phải có ít nhất 4 chiến lược tương hỗ với nhau.

Thứ nhất, dù không còn nghĩa vụ về INF hay Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) nhưng không ai cấm Nga và Mỹ tuân thủ các hiệp ước này.

Các chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân hiện nay của Nga và Mỹ đều không vượt ra ngoài ranh giới của các thỏa thuận trên. Một thỏa thuận không chính thức về việc giữ nguyên trạng trong lĩnh vực hạt nhân sẽ tránh được nhiều vấn đề nghiêm trọng và những chi phí lớn phát sinh.

Thứ hai, bất kỳ cuộc tham vấn Nga-Mỹ nào về nguyên tắc ổn định chiến lược trong tương lai đều rất hữu ích. Việc tiếp tục đối thoại có ý nghĩa tâm lý tích cực. Ngoài ra, sự xuất hiện một cuộc đối thoại như vậy, duy trì được chiến lược chung và tích lũy những sáng kiến mới sẽ cho phép chuyển sang đối thoại cụ thể một cách nhanh hơn, khi điều kiện chính trị cho phép.

Thứ ba, giai đoạn tạm dừng bắt buộc hiện tại trong hợp tác Nga-Mỹ về vũ khí chiến lược có thể được tận dụng để tham gia thảo luận với các quốc gia hạt nhân thứ ba.

Tất nhiên, nhiệm vụ đó không hề đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tế nhị, song dứt khoát phải thực hiện. Mỹ rút khỏi INF là cái cớ tốt để bắt tay vào nhiệm vụ này vì quyết định rút khỏi INF chắc chắn động chạm đến quyền lợi của tất cả các thành viên "Câu lạc bộ hạt nhân".

Thứ tư, trong bối cảnh hiện nay, Nga và Mỹ nên chú ý chuẩn bị cho hội nghị tiếp theo xem xét hiệu lực của Thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), sẽ diễn ra vào năm 2020.

Việc rút khỏi INF hay đặc biệt là không gia hạn START-3 sẽ gây ra những rủi ro lớn đối với chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và Hội nghị rà soát lần tới hoàn toàn có thể sẽ là hội nghị cuối cùng.

Điều đó không phù hợp với lợi ích của Moscow và Washington. Mối quan tâm chung đến việc duy trì chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể sẽ là động lực đủ mạnh cho hợp tác Nga-Mỹ ở mức hạn chế.

Thế giới sẽ ra sao khi hiệp ước INF “không thể cứu vãn”? - Ảnh 1.

Mỹ tuyên bố chấm dứt hiệp ước INF từ ngày 2/2

Đánh giá về việc liệu Mỹ rút khỏi INF có làm bùng phát nguy cơ xảy ra Chiến tranh Lạnh mới không hay thực chất cuộc chạy đua vũ trang mới đã bắt đầu từ lâu, các chuyên gia cho rằng dường như kịch bản năm 2002 đang được lặp lại. Khi Washington rút khỏi hiệp ước phòng thủ tên lửa, điều này đã hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Mục tiêu ra khỏi hiệp ước là tự do trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Ngay cả hôm nay, Mỹ có kế hoạch dần dần tranh thủ lợi thế, kết hợp việc mở rộng phòng thủ tên lửa với khả năng chĩa súng kiềm chế các căn cứ và quân đội Nga. Theo chuyên gia Mirko Molteni, việc phát triển và tạo ra vũ khí hiện đại đòi hỏi rất nhiều thời gian, hoàn toàn có khả năng là các hệ thống mới đã tồn tại. Cuộc chạy đua vũ trang chưa bao giờ dừng lại.

Chuyên gia Mirko Molteni cảnh báo nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở Ba Lan hoặc các nước cộng hòa Baltic, Nga có thể coi bước này là tuyên bố chiến tranh, vì tình huống như vậy sẽ khiến Liên bang Nga tăng nguy cơ bị tấn công bất ngờ. Người Nga đã trải nghiệm chuyện đó vào năm 1941 với Chiến dịch Barbarossa và họ không muốn lặp lại.

Mặt khác, việc người Mỹ sống sót sau vụ tấn công Trân Châu Cảng buộc họ phải hiểu, nếu cả hai bên có cùng nỗi quan ngại, đây là lý do tốt để ngồi vào bàn đàm phán và lắng nghe nhau.

Nhiều khả năng tên lửa sẽ được triển khai ở các quốc gia như Đức và Italy, hay có lẽ là Đan Mạch hoặc Na Uy. Một quyết định như vậy sẽ dễ chấp nhận hơn đối với Nga, vì Nga cũng sẽ không lãng phí thời gian và sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tương tự.

Thế giới sẽ ra sao khi hiệp ước INF “không thể cứu vãn”? - Ảnh 2.

Lãnh đạo Mỹ và Liên Xô ký kết Hiệp ước INF. (Ảnh tư liệu)

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km).

Tuy nhiên, ngày 21/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa "Novator 9M729" và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF.

Đến ngày 4/12/2018, Mỹ đã đặt thời hạn cho Nga trong vòng 60 ngày phải hủy bỏ các loại tên lửa mà nước này cho là vi phạm INF hoặc Washington sẽ bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi INF trong vòng 6 tháng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/2 tuyên bố Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Ông Pompeo nêu rõ, Mỹ sẽ gửi thông báo chính thức cho Nga rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước INF trong vòng 6 tháng. Theo Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại