Thế giới sẽ cần thêm 80% lượng calo mới đủ cung cấp dưỡng chất cho nhân loại vào năm 2100

THIÊN LONG , |

Lượng calo cần thiết để nuôi sống đủ dân số thế giới sẽ cần tăng gần gấp đôi sau thế kỷ này khi quy mô dân số đang ngày một tăng.

`Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One đã tính toán lượng thực phẩm cần thiết để nuôi sống dân số toàn cầu trong năm 2100 nếu xu hướng dân số vẫn tiếp tục tăng như hiện nay. Câu trả lời là chúng ta cần thêm khoảng 80% lượng calo từ thực phẩm so với lượng calo cần trong năm 2010.

Thế giới sẽ cần thêm 80% lượng calo mới đủ cung cấp dưỡng chất cho nhân loại vào năm 2100 - Ảnh 1.

Trong đó khoảng 60% lượng calo tăng thêm sẽ dành cho cho thế hệ mới ra đời. Theo nghiên cứu của Pew Research, dân số hành tinh sẽ sớm tăng lên khoảng 10,9 tỷ người vào năm 2100. Con số này cao hơn 3 tỷ người so với con số 7,8 tỷ người hiện nay trong năm 2019.

Có tới 18% nhu cầu thực phẩm tăng thêm là kết quả từ việc tăng chiều cao và cân nặng của con người. Chỉ số khối cơ thể (BMI) đang tăng ở hầu hết các quốc gia. Theo các nhà nghiên cứu, mật độ trung bình toàn cầu đã tăng 2,5kg/m2 ở nam và 2,3kg/m2 ở nữ trong giai đoạn 1975-2014. Do đó nhu cầu calo cho mỗi cá nhân dự kiến cũng sẽ tăng lên trong nhiều năm tới.

Đồng tác giả Lutz Depenbusch chia sẻ với trang BBC News, nhu cầu trung bình hàng ngày ước tính sẽ tăng từ 2.285 calo/người trong năm 2010 lên 2.425 calo/người vào năm 2100. Mức tăng thêm 253 calo tương đương với việc ăn hai quả chuối lớn hoặc một phần khoai tây chiên.

Con người đã chuẩn bị gì cho nhu cầu calo tăng cao

Depenbusch và Stephan Klasen, giáo sư Khoa Kinh doanh & Kinh tế thuộc Đại học Göttingen chưa nghiên cứu chi tiết cho câu hỏi này nhưng họ mô tả một kịch bản nhiều khả năng có thể xảy ra, đó là nạn đói. Tuy nhiên họ cho rằng nạn đói sẽ chỉ ảnh hưởng đến nhóm người dễ bị tổn thương nhất, cụ thể là người nghèo vì họ sẽ phải chịu mua thực phẩm với giá cao hơn.

Thế giới sẽ cần thêm 80% lượng calo mới đủ cung cấp dưỡng chất cho nhân loại vào năm 2100 - Ảnh 2.

Trong khi đó người giàu vẫn có thể duy trì được chế độ ăn như thông thường như hiện tại. Depenbusch cho rằng, tình trạng này có thể dẫn tới việc tăng tiêu thụ thực phẩm giá rẻ, giàu calo nhưng ít dưỡng chất. Cuối cùng trọng lượng cơ thể của người nghèo sẽ tiếp tục tăng, cùng với đó là tình trạng suy dinh dưỡng và sức khỏe ngày một kém hơn.

Kết thúc nghiên cứu, Depenbusch và Klasen kêu gọi chính phủ các nước cần có một chính sách tăng khả năng tiếp cận thực phẩm ở những khu vực nghèo đói, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng dư thừa thức ăn ở những người thừa cân, béo phì.

Tham khảo Newsweek

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại