Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đang cân nhắc tổ chức hội nghị thượng đỉnh bốn bên bên lề cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO diễn ra ở Tây Ban Nha vào tuần tới. Đây là thông tin được một nguồn tin thân thiết với văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tiết lộ.
Kyodo đưa tin, cuộc họp bên lề hội nghị NATO của 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand được xem là nỗ lực của các nước trong việc kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thông tin trên cũng phản ánh mối quan ngại gia tăng của các nước về tình hình phức tạp ở khu vực, nơi chính quyền Bắc Kinh không ngừng tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc họp của Bộ Tứ Kim Cương ở Tokyo. (Ảnh: AP)
Nguồn tin cho biết hôm 20/6, Nhật Bản đã đánh tiếng với Hàn Quốc về khả năng tổ chức cuộc họp bốn bên. Tại sự kiện, các nhà lãnh đạo 4 nước được cho sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa, cũng như thảo luận về sự hỗ trợ tăng cường với các quốc đảo ở Thái Bình Dương.
Hồi đầu năm nay, Trung Quốc và Solomon, quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, đã ký kết một hiệp ước an ninh. Hiệp ước này được cho bao gồm điều khoản cho phép quân đội Trung Quốc triển khai hoạt động ở quần đảo Solomon. Nếu thông tin này là đúng sự thật, các nước Australia, New Zealand, Mỹ và Nhật Bản sẽ vô cùng quan ngại.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand không phải là thành viên của NATO, nhưng vẫn được mời tham dự cuộc họp của liên minh quân sự tại Madrid từ ngày 29 – 30/6 sự với tư cách đối tác.
Cuộc họp bốn bên sẽ tạo thêm một phương thức mới cho khuôn khổ hợp tác đa phương nhằm theo đuổi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Đáng nói, Nhật Bản và Australia đang là thành viên của Bộ Tứ Kim Cương cùng với hai quốc gia Mỹ và Ấn Độ. Trung Quốc đã gọi Bộ Tứ Kim Cương là “NATO ở châu Á” và cáo buộc mục đích là nhằm kiềm chế Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực.
Nhà phân tích cấp cao Malcolm Davis tại Viện Chính sách chiến lược Australia từng nhận định, so với mục tiêu ban đầu đặt ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, Bộ Tứ Kim Cương chuyển từ “đối thoại kinh tế và chính trị mức độ thấp” sang đóng vai trò quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương.
“Dù Bộ Tứ hiện không phải là liên minh quân sự NATO ở châu Á, nhưng rõ ràng tổ chức này đang đi theo hướng tiếp cận an ninh tập thể”, CNN dẫn lời ông Davis.
Ngoài ra, Mỹ, Anh và Australia còn bất ngờ ra thông báo về việc thành lập liên minh an ninh mới mang tên Aukus vào tháng 9/2021. Aukus được xem là nỗ lực mới của Mỹ trong việc tăng thêm sức mạnh để kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trên thực tế, Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội tiến hành họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon Suk-yeol với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ở Madrid, nhưng triển vọng vẫn chưa rõ ràng. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Nhật Bản cho hay, “chưa có quyết định nào được đưa ra”.
Mối quan hệ Hàn – Nhật rơi vào cảnh nguội lạnh do bất đồng về những vấn đề trong chiến tranh. Hai nước đã không tiến hành bất cứ cuộc họp thượng đỉnh song phương nào kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, Tổng thống Yoon, người chính thức nhậm chức hồi tháng Năm, đã cam kết đẩy mạnh các mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời khẳng định mong muốn cải thiện các mối quan hệ giữa Seoul – Tokyo theo phong cách “hướng tới tương lai”.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động đối thoại với Hàn Quốc, nhưng Tokyo hiện chưa có kế hoạch cụ thể.