Cho đến nay, ngoài giải pháp đàm phán hòa bình, trừng phạt kinh tế nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên, các nước cũng đưa ra các giải pháp khác nhau cho vấn đề này như: cùng xuống thang, đóng băng, quân sự, mô hình Iran, và công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân… Tuy nhiên, giải pháp nào khả thi cho vấn đề Triều Tiên vẫn chưa tìm được lời giải.
Vẻ mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi trở về chỗ ngồi sau bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó đe dọa "hủy diệt" Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
Sau khi Triều Tiên thử bom H (3/9) và tên lửa tầm trung (15/9), các chuyên gia cho rằng giờ đây phải đối mặt với điều “không thể tưởng tượng nổi”: Triều Tiên có thể gây ra mối đe doạ hạt nhân “có thật” cho lục địa Mỹ.
Thế giới gia tăng áp lực
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Yukiya Amano mô tả Triều Tiên là “mối đe dọa toàn cầu”. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley phát biểu trong một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) rằng, Bình Nhưỡng đang “cầu xin chiến tranh”, rằng “Chúng ta đã nhân nhượng quá đủ rồi. Không còn cách nào khác”.
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ khóa 72, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng hủy diệt Triều Tiên. Ông nói: “Mỹ có sức mạnh và nhiều kiên nhẫn, nhưng nếu buộc phải bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ các đồng minh, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác là hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”.
Tuy nhiên, tuyên bố cứng rắn của ông Trump đã không được sự ủng hộ của các nước thành viên, ngoại trừ Anh Quốc và Nhật Bản. Đức đã cực lực phản đối giải pháp quân sự, còn cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha lại nói: “Đây là lúc phải có sự khôn khéo về lãnh đạo”, “chúng ta không nên mắt nhắm, mắt mở tự đi vào chiến tranh”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi: “một phản ứng toàn cầu” nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Ông Stoltenberg coi hành động của Triều Tiên là “vi phạm trắng trợn nghị quyết của LHQ”.
Còn Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lại kêu gọi cần một chính sách khôn khéo để tránh chiến tranh với Triều Tiên và chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới dùng những bức xúc về người tị nạn để đạt thắng lợi chính trị.
Triều Tiên phân hóa đối thủ
Ngay từ năm 2013, chuyên gia Mỹ Ken Gause, Giám đốc Nhóm các vấn đề Quốc tế tại CNA, từng nói rằng: “nhà lãnh đạo Triều Tiên không thể thoái lui từ chiến lược hiện tại vì như vậy, đặc biệt là trước áp lực của thế giới, sẽ làm suy yếu tính hợp pháp và sự lãnh đạo của mình”.
Theo giới phân tích, Triều Tiên luôn quan tâm tới mục tiêu là được công nhận như một cường quốc hạt nhân và trở thành quốc gia hạt nhân đã là mục tiêu bất di bất dịch của nước này nhằm khẳng định vị thế của mình với Hàn Quốc và khu vực Đông Bắc Á.
Giờ đây, sau khi thử bom H thành công, tức là gần đạt mục tiêu, thì Triều Tiên lại nêu ra tham vọng còn lớn hơn là “cân bằng thực lực với nước Mỹ”. Bình Nhưỡng khẳng định, không bao giờ ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, trừ khi Mỹ chấm dứt chính sách thù địch nhằm vào nước này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói: “Chúng ta nên tỏ rõ cho những kẻ ở nước lớn thấy cách mà nhà nước chúng ta đạt được mục tiêu hoàn thành lực lượng hạt nhân của mình bất chấp sự phong tỏa và các biện pháp trừng phạt không giới hạn của chúng”.
Tuy nhiên, để đạt được mục đích của mình, lần này Triều Tiên đã chọn những thời điểm bất ngờ gây phân hóa nội bộ đối phương và gây lúng túng cho cả người bạn lớn của mình là Trung Quốc.
Triều Tiên đặt Trung Quốc vào tình thế khó xử, trong khi nước này đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào tháng 10 tới. Trước đó, ngày 3/9 Triều Tiên thử bom H cũng đúng vào lúc ông Tập cận Bình đọc diễn văn khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Mặt khác, Bình Nhưỡng cũng đã đạt được mục tiêu phân hóa đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Cùng với việc dấy lên những hoài nghi mới về cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ, còn khiến cho "ông nói ngược, bà nói xuôi".
Trong khi Nhật ủng hộ giải pháp cứng rắn của Mỹ, thì Hàn Quốc lại kêu gọi cần bình tĩnh để tránh hủy hoại nền hòa bình. Rằng, "Hàn Quốc sẽ không tìm cách làm sụp đổ Triều Tiên. Chúng tôi sẽ không tìm cách thống nhất bằng các biện pháp giả tạo. Nếu Triều Tiên đứng về phía lẽ phải, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên".
Bất chấp tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ngày 21/9 Hàn Quốc đã thông qua một kế hoạch gửi 8 triệu USD hàng viện trợ cho Bình Nhưỡng. Theo đó, số sản phẩm dinh dưỡng trị giá 4,5 triệu USD cho trẻ em và phụ nữ mang thai sẽ thông qua Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), còn vaccine và thuốc men trị giá 3,5 triệu USD thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Thế nào là "khôn khéo" với Triều Tiên?
Cho đến nay, đã có quá nhiều nhận định khác nhau về mục tiêu thực sự của Triều Tiên. Về nguyên nhân sâu xa, có thể là do cuộc chiến tranh Mỹ-Triều (1950-1953) được cho là do sự hiếu chiến của Washington, khiến Mỹ luôn bị coi là kẻ thù, và ông Kim muốn chứng tỏ rằng ông có đủ khả năng để chống lại "kẻ thù" của Bình Nhưỡng là Mỹ.
Về nguyên nhân trực tiếp, có ý kiến cho rằng, Bình Nhưỡng muốn "tống tiền" Washington, một số ý kiến khác lại cho là Triều Tiên muốn chia cắt Mỹ với 2 đồng minh Nhật-Hàn; và liệu Mỹ có thật sự bảo vệ đồng minh hay không, nhất là ý tưởng của ông Trump để các đồng minh "tự trang bị quân sự" hồi năm 2016.
Trong giới chuyên gia còn có ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un còn muốn dùng vũ khí hạt nhân làm quân cờ trên bàn đàm phán, tạo cho mình thế cân bằng với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và khi nước Mỹ nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên, thì số phận của ông Kim sẽ khác với các nhà lãnh đạo Qaddafi ở Libya, và Saddam Hussein ở Iraq.
Một số cố vấn của Tổng thống Trump và các chuyên gia quân sự Mỹ suy đoán, có thể ông Kim muốn dùng vũ khí hạt nhân để ép Mỹ rút bớt các biện pháp trừng phạt và rút bớt quân khỏi Hàn Quốc.
Giới phân tích còn có ý kiến cho rằng, Triều Tiên muốn kho vũ khí hạt nhân của mình đủ lớn để không thể bị giải giáp. Họ muốn được đối xử như Ấn Độ và Pakistan, những nước đã được cộng đồng quốc tế "chấp nhận" cho sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng, ông Stephen K. Bannon từng tiết lộ rằng, Washington có cân nhắc đến "sự nhượng bộ". Nhưng nỗi lo sợ là Triều Tiên sẽ lấn tới và dùng vũ lực xâm lược Hàn Quốc nhằm thống nhất bán đảo Triều Tiên. Tuy khả năng này "thấp, nhưng có thật".
Ông George Lopez, cựu chuyên gia tư vấn trừng phạt tại HĐBA LHQ, khẳng định, Mỹ cần tìm kiếm tiếng nói chung với Nga và Trung Quốc, ngoài việc bỏ phiếu cấm vận, Washington nên tìm kiếm giải pháp an ninh thông qua con đường ngoại giao, đáp ứng được một số điều kiện mà Bình Nhưỡng và các nước láng giềng đưa ra.
Ông Lopez nói: "Chúng ta từng làm được điều đó với những cường quốc có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân. Chúng ta chắc chắn sẽ làm được với đất nước có chưa tới 20 quả bom hạt nhân".
Chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân Joshua Pollack nhận định: "Sau khi quan sát việc Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân vào những năm 1960 và vượt qua 'chính sách thù địch’ của Mỹ vào đầu thập niên 1970", thì vì sao Triều Tiên lại không được áp dụng điều tương tự?
Như vậy, sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã đạt đến mức đỉnh điểm, giải pháp quân sự của Tổng thống Donald Trump nhằm hủy diệt toàn bộ Triều Tiên cũng được đưa ra.
Tuy nhiên, sự phân hóa trong các nước lớn, nhất là nội bộ Mỹ và đồng minh trong việc lựa chọn giả pháp, khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ "cần một chính sách khôn khéo để tránh chiến tranh với Triều Tiên" là hoàn toàn cơ sở lý luận và thực tiễn cần phải tuân theo./.