Thế giới ngầm lao động Triều Tiên ở Nga

Thùy Lâm |

Theo CNN, trong các tòa nhà nằm xuôi theo một con đường lầy lội tại khu vực ngoại ô của thành phố St. Petersburg là thế giới ngầm của lao động Triều Tiên ở Nga.

Trên một công trường xây dựng gần những khu nhà ở tồi tàn, một nhóm lao động đang xây dựng nhà cửa chia sẻ với hãng tin CNN rằng, họ đến từ Triều Tiên. Họ nằm trong số khoảng 50.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc tại Nga.

Các nhà ngoại giao Mỹ cho biết, khoảng 80% thu nhập của họ được gửi về Bình Nhưỡng nhằm giúp đỡ chính quyền của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Liên Hợp Quốc từng bày tỏ lo ngại rằng, số tiền mà lao động Triều Tiên gửi về mỗi năm khoảng 500 triệu USD dùng để rót vào chương trình tên lửa và hạt nhân mà chính quyền Bình Nhưỡng đang theo đuổi.

Theo một nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, các quốc gia được sử dụng lao động Triều Tiên theo hạn ngạch, tuy nhiên không được cấp giấy phép lao động mới cho họ.

Theo quy định lệnh trừng phạt gần đây nhất, tức nghị quyết 2397, tất cả lao động Triều Tiên phải trở về nước vào trước tháng 12/2019 nhằm giảm nguồn thu nhập chính của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, do hiện chưa rõ có bao nhiêu lao động Triều Tiên đang làm việc tại Nga nên giới phân tích không biết được chính xác liệu tất cả số công nhân này đã trở về nước hay chưa.

Nghị quyết áp đặt đối với công nhân Triều Tiên là một phần của lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an thông qua vào tháng 12 năm ngoái. Lệnh trừng phạt này bao gồm việc hạn chế nhập khẩu dầu mỏ của Triều Tiên và mở rộng lệnh cấm xuất đối với các thiết bị công nghiệp, thép và máy móc của quốc gia này.

Các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn đã được thực hiện sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa Hwasong-15 hôm 29/11. Tên lửa này đã đạt độ cao nhất từ trước đến nay và đặt toàn bộ lục địa Mỹ vào tầm ngắm.

Thế giới ngầm lao động Triều Tiên ở Nga - Ảnh 1.

Một công nhân Triều Tiên đi qua khu vực xây dựng. Ảnh: CNN

Trừng phạt Triều Tiên là công cụ sai lầm?

Mặc dù Nga ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái nhưng một nhà lập pháp cấp cao Nga cho rằng, lệnh trừng phạt không phải là phương pháp hiệu quả để hạn chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nga từng bị cáo buộc làm suy yếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng còn điện Kremlin khẳng định, các nước vẫn được phép cấp dầu cho Triều Tiên trong "định mức" nhất định theo lệnh trừng phạt.

“Giống Triều Tiên, Nga cũng đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng tôi chắc chắn rằng các lệnh trừng phạt, bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ, không bao giờ có bất kỳ tác động nào đối với chính sách đối nội và đối ngoại của chúng tôi. Các lệnh trừng phạt là công cụ sai lầm. Đây không phải là giải pháp cho vấn đề Triều Tiên”, Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga, cho biết.

Triều Tiên coi lệnh trừng phạt mới nhất là "hành động chiến tranh" nhưng theo CNN, kể từ khi lệnh trừng phạt được phê chuẩn, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã dịu bớt với việc bắt đầu diễn các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong gần 2 năm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In nhấn mạnh, chiến lược gây áp lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump với việc tạo môi trường tốt đẹp cho các cuộc đàm phán, tuy nhiên hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên lại phản đối, cho rằng bước đột phá đạt được khi quan hệ liên Triều được cải thiện.

Thế giới ngầm lao động Triều Tiên ở Nga - Ảnh 2.

Công nhân Nga ăn trưa trong nhà ăn. Ảnh: CNN

Nga - "dây cứu đắm" của Triều Tiên

Tuy nhiên, theo ông Alexander Gabuev, Chủ tịch Chương trình Nga ở châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Moscow Carnegie, Nga đang miễn cưỡng tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên và điều này xuất phát từ việc Moscow muốn ngăn chặn sự thay đổi chính quyền theo hướng ngả về phương Tây tại Bình Nhưỡng.

"Tôi không nghĩ Nga thực sự tin tưởng vào lệnh trừng phạt", ông Gabuev chia sẻ.

"Trong khi ký các lệnh trừng phạt quốc tế, Nga thường đấu tranh để biến chúng thành các lệnh trừng phạt không mang tính cưỡng ép”, ông Gabuev cho biết thêm.

Trước khi phê chuẩn các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Bình Nhưỡng hồi tháng 12 năm ngoái, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, Nga phản đối việc ngừng cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên.

“Giữ cho Bình Nhưỡng tiếp tục "tồn tại" là nhiệm vụ quan trọng. Quốc gia này không thể hoạt động nếu không có nhiên liệu nhập khẩu. Và đây là lý do vì sao Nga phải tập trung các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo Triều Tiên không chịu sức ép quá lớn”, chuyên gia Gabuev khẳng định.

Theo ông Gabuev, được chọn ra nước ngoài làm việc là niềm khao khát của người Triều Tiên bởi vì họ có thể mang nhiều tiền hơn về cho gia đình.

Mặc dù Nga khẳng định rằng, số tiền mà lao động Triều Tiên kiếm được thường giúp người Triều Tiên đảm bảo cuộc sống, nhưng những người chỉ trích tin rằng Nga tiếp tục thuê lao động Triều Tiên vì muốn tránh kịch bản thay đổi chế độ theo hướng ủng hộ phương Tây.

“Sự sụp đổ không kiểm soát được của Triều Tiên không chỉ dẫn đến làn sóng tị nạn hay chiến tranh, mà rốt cuộc sẽ đưa đến một đất nước Hàn Quốc 'thống nhất' và là đồng minh của Mỹ. Điều này đồng nghĩa, binh lính Mỹ sẽ xuất hiện ở gần biên giới Nga và đây chắc chắn là điều Nga không muốn chứng kiến", ông Gabuev nhận định thêm.

Theo CNN, Moscow hiện đang trong tình thế buộc phải hành động cân bằng, theo đó vừa phải chính thức ủng hộ các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của cộng đồng quốc tế, vừa phải duy trì "dây cứu đắm" cho Bình Nhưỡng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại