Con số này vượt qua kỷ lục gần 22,5 triệu người của năm 2021 và cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ so với mức hơn 21,7 triệu người của năm 2022.
Tổng giá trị tài sản của các triệu phú trong năm 2023 là 86.800 tỉ USD. Đây là mức cao nhất kể từ khi Capgemini bắt đầu thực hiện cuộc nghiên cứu thường niên này vào năm 1997.
Con số nói trên tăng 4,7% so với mức hơn 82.900 tỉ USD của năm 2022 và vượt qua kỷ lục trước đó là gần 86.000 tỉ USD của năm 2021.
Capgemini cho biết khả năng chống chịu kinh tế, áp lực lạm phát hạ nhiệt và sự phục hồi của thị trường toàn cầu năm 2023 đã thúc đẩy tăng trưởng sau sự suy giảm trong năm 2022.
Ông Klaus-Georg Meyer, chuyên gia của Capgemini, cho biết sự tăng giá của thị trường chứng khoán cũng có mối liên hệ chặt chẽ với sự gia tăng tài sản của người giàu. Ngoài ra, theo báo cáo, các HNWI lạc quan một cách thận trọng về cơ hội tăng trưởng năm 2024.
Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách quốc gia có nhiều triệu phú USD nhất, với 7.431.000 người, theo sau là Nhật Bản (3.777.000 người), Đức (1.646.000 người), Trung Quốc (1,5 triệu người).
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất về tài sản và số triệu phú. Khu vực này có 7.431.000 triệu phú với tổng tài sản tăng 7,2% - lên 26.100 tỉ USD. Nghiên cứu cho biết xu hướng tương tự diễn ra ở hầu hết khu vực khác dù ở mức độ thấp hơn.
Một điểm đáng chú ý là sự chênh lệch giữa người giàu. Capgemini ước tính 1% người đứng đầu nhóm siêu giàu (UHNWI, sở hữu tài sản ít nhất 30 triệu USD) nắm giữ đến 34% tổng tài sản. Theo thống kê, hơn 70% người siêu giàu là triệu phú tự thân và 20% dưới 40 tuổi. Công ty tin rằng xu hướng này chủ yếu liên quan đến sự nổi lên của giới doanh nhân kỹ thuật số.