Nhắc tới những cụm từ “Ngày Tận thế”, “Ngày Phán xét”, phần lớn chúng ta đều nghĩ tới hình ảnh của những thảm họa kinh hoàng, tiêu diệt toàn bộ sự sống trên Trái đất. Đó có thể là trận đại hồng thủy trong kinh thánh, trong thần thoại Hy Lạp hay Ragnarok trong văn hóa Bắc Âu…
Thế nhưng, ít ai để ý rằng, ở tất cả các kịch bản về Ngày Tận thế do người xưa xây dựng không có kịch bản dừng lại ở sự diệt vong hoàn toàn. Sau Ngày Phán xét, con người sẽ trở lại, hồi sinh để sống tốt, lâu dài hơn. Hãy cùng đi tìm hình ảnh của những ngày tháng hậu Tận thế trong các thần thoại khác nhau qua bài viết dưới đây.
1. Thế giới sau Ngày Phán xét của Kinh thánh
Trong Kinh thánh, loài người đã từng phải trải qua Ngày Phán xét - thảm họa diệt vong của Trái đất. Theo sách Khải Huyền, vì sự suy đồi nghiêm trọng trong đạo đức, loài người khiến Thiên Chúa nổi giận. Ngài quá thất vọng và hối hận vì đã tạo ra con người, mong muốn quét sạch hết thảy mọi mầm mống tội ác trên mặt đất.
Do đó, Thiên Chúa tạo ra một trận đại hồng thủy nhấn chìm tất cả, nước dâng lên cao hơn những đỉnh núi cao nhất trong vòng 40 ngày.
Tưởng chừng đó là sự kết thúc sớm cho toàn nhân loại nhưng sự thực không phải vậy. Trên mặt đất bấy giờ có một tín đồ công giáo lương thiện tên Noah. Nhờ lòng tốt và sự lương thiện của mình, Noah được Thiên Chúa báo mộng, bày cho cách sống sót qua trận đại hồng thủy.
Theo đó, Noah cho đóng một con tàu rất lớn dài 360m, rộng 23m, cao 13,6m, chia làm 3 tầng rồi đưa gia tộc của mình cùng các loài động vật lên tàu, mỗi loài 1 cặp đực - cái.
Thuyền đóng xong cũng là lúc đại hồng thủy ập đến. Noah và gia tộc mình sống sót, lênh đênh trên mặt nước suốt 150 ngày và mắc vào đỉnh núi Ararat (phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ). Trải qua thêm 40 ngày nữa, Noah thả chim bồ câu và biết được rằng, nước đã rút hết, thế giới được phép “hồi sinh”.
Noah cùng gia tộc thả các loài động vật ra ngoài tự nhiên, tái thiết lại thế giới. Sau đó, ông hy sinh bản thân mình để đổi lại giao ước không tiêu diệt Trái đất bằng đại hồng thủy lần nào nữa của Thiên Chúa. Theo các tài liệu cổ, cầu vồng bảy sắc cũng từ đó mà sinh ra. Đó chính là tượng trưng cho giao ước giữa Noah và Thiên Chúa.
2. Thế giới hậu Ngày Phán xét của tôn giáo Zoroastrianism
Zoroastrianism là một tôn giáo cổ của người Iran, xuất hiện ở phía Đông của đế quốc Ba Tư xưa, vào khoảng thế kỷ thứ VII TCN. Theo tôn giáo này, trên thế giới tồn tại hai loại thần: thần tốt (Ahura Mazda) và thần xấu (Angra Mainyu).
Giống như những tôn giáo khác, Zoroastrianism cũng đề cập tới kịch bản của Ngày Phán xét. Tuy nhiên, viễn cảnh phán xét ở đây rất có hậu. Trong sách Avesta -cuốn sách ghi lại các câu chuyện và giáo lý của tôn giáo này, Ngày Phán xét có tên Frashokereti.
Đây là thời điểm cuối cùng để vũ trụ hoàn thiện khi trên Trái đất, một cuộc chiến giữa hai phe tốt (các Yazata) - xấu (các Daevas) diễn ra. Kết quả là phe tốt chiến thắng, diệt trừ mọi cái ác có trên mặt đất.
Sau Frashokereti, các Saoshyant được phái xuống mặt đất gây dựng lại xã hội loài người. Họ hồi sinh tất cả con người trên thế giới đã chết trong trận chiến của thần linh và đặt ra thử thách cuối cùng nhằm tái thiết lại một cộng đồng con người tốt đẹp.
Các thần tốt làm tan chảy hết các kim loại trong đồi núi, biến chúng thành một dòng sông lửa đáng sợ. Tất cả mọi người đều phải lội qua dòng sông ấy, những ai tốt bụng sẽ lội được qua, còn những ai độc ác sẽ chết ngay lập tức. Dòng sông lửa sau đó chảy xuống địa ngục, nơi nó tiêu diệt tàn dư của các vị thần xấu (Angra Mainyu) và mọi cái ác trong vũ trụ.
3. Thế giới mới sau ngày Ragnarok trong thần thoại Bắc Âu
Khác với kịch bản Tận thế trong Kinh thánh, ngày cuối cùng của nhân loại với người Viking lại chìm trong biển lửa. Trong thần thoại Bắc Âu, ngày đó được gọi là Ragnarok, tức là “sự tận diệt của các vị thần”.
Ragnarok xảy ra sau khi ba mùa đông lạnh giá xuất hiện liên tục. Khi đó, thần Heimdallr sẽ thổi tù và Gjallerhorn, báo hiệu Ngày Tận thế sẽ tới sau 100 ngày. Sau khi Gjallerhorn được thổi, các loài sinh vật gớm ghiếc sẽ xuất hiện trên mặt đất. Con chó sói Skoll sẽ nuốt chửng mặt trời và anh trai của nó là Hati sẽ ăn thịt mặt trăng, khiến thế giới chìm trong bóng tối vĩnh cửu.
Đó cũng là thời điểm thần Odin tối cao lãnh đạo các thần khác và người dân chiến đấu chống lại ma quỷ. Tuy nhiên, trong trận chiến này, các vị thần đã thất bại. Thần Odin bị con sói Fenrir ăn thịt và các vị thần sáng tạo khác đều bị sát hại. Cuối cùng, tên khổng lồ Surt sẽ nhấn chìm tất cả thế giới trong địa ngục lửa.
Tuy nhiên, Ragnarok cũng chính là ngày đánh dấu sự ra đời của một trật tự mới. Từ dưới mặt nước, một thế giới tràn đầy sức sống của thiên nhiên nổi lên. Những vị thần còn sống sót như Vidar, Vali, Honor, Modi, Magni… sẽ tiếp quản việc cai trị thế giới sau Ragnarok.
Về phần con người, thật tình cờ, ngày trước khi Ragnarok xảy ra, một cặp nam nữ là Liftraser và Lif đã tìm được chỗ trú ẩn trong cây thiêng Yggdrasil. Khi thế giới nổi lên, cặp đôi này chui ra và trở thành những người sống sót duy nhất, gánh trách nhiệm xây dựng lại xã hội loài người.
Hầu hết mọi nền văn hóa, tôn giáo khác nhau đều nhắc tới Ngày Tận thế với những kịch bản khác nhau. Tuy nhiên, chúng đều có chung một ý nghĩa nhân văn cao cả: Ngày Tận thế không phải sự tận diệt của nhân loại, đó là thời điểm thanh lọc, tái thiết một thế giới mới, tốt đẹp hơn - một thế giới của những người tốt.