Hồi tháng 5/2013, hình ảnh một người đàn ông mắc căn bệnh tâm thần phân liệt chỉ mặc quần lót và hai chân bị trói bằng xích sắt được nhốt trong một chiếc lồng tại nhà suốt 11 năm đã tràn ngập khắp các trang tin tại Trung Quốc.
Theo đó, bệnh nhân tâm thần Wu Yuanhong (42 tuổi) đã bị mẹ mình nhốt trong một chiếc lồng sắt suốt 11 năm sau khi anh này tấn công và đánh đến chết một bé trai.
Theo nhà báo Johan Nylander – người chuyển tới Hồng Kông định cư từ năm 2011 và chuyên đưa tin về lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa tại Trung Quốc, những trường hợp đáng tiếc như anh Wu đã không còn hiếm gặp tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Truyền thông Trung Quốc cũng thường xuyên đưa tin về các vụ tấn công bạo lực, giết người và tử tự. Một trong những sự việc kinh hoàng nhất từng xảy ra hồi tháng 2/2013 khi một công nhân (27 tuổi) đã cố tình trèo qua hàng rào ngăn khu nuôi một cặp hổ Bengal tại sở thú Chengdu để cho hổ ăn thịt.
Thiếu bác sĩ giỏi
Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Trung Quốc đang đối mặt với bài toán nan giải là tuyển đủ số bác sĩ và nhân viên y tế chăm sóc cũng như chữa trị cho các bệnh nhân tâm thần ngày một nhiều.
Theo nghiên cứu của tạp chí y khoa Anh, The Lancet vào năm 2009, khoảng 173 triệu dân Trung Quốc mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, Trung Quốc lại chỉ có 20.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần tương đương với 1,5 bác sĩ/100.000 dân. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/10 so với Mỹ.
Trong khi đó, Giáo sư Michael Phillips – Giám đốc Trung tâm Y khoa Tâm thần Thượng Hải thuộc Đại học Jiao Tong Thượng Hải, ước tính chỉ 5% bệnh nhân tâm thần tại Trung Quốc được các bác sĩ chữa trị.
"Có rất nhiều nguyên nhân khiến số ít bệnh nhân tâm thần tại Trung Quốc được chữa trị. Một trong số đó là việc cộng đồng không thể phát hiện sớm những người không may mắc bệnh, thiếu cơ sở chăm sóc tuyến cơ sở và nỗi xấu hổ của gia đình bệnh nhân. Quan trọng nhất là tư tưởng cho rằng chi phí điều trị cho bệnh nhân thường rất cao và vô ích", giáo sư Phillips nhận định.
Bác sĩ dỏm lan tràn
Trong khi số bác sĩ chuyên ngành điều trị căn bệnh tâm thần tại Trung Quốc đã ít, một lượng lớn bác sĩ dỏm yếu chuyên môn lại đang hoạt động khắp lãnh thổ quốc gia. Sự việc này đang khiến niềm tin của người nhà bệnh nhân ngày một suy giảm.
Tiến sĩ Sammy Cheng Kin-wing thuộc Hiệp hội Tâm thần Hồng Kông từng ghi nhận nhiều phản hồi tiêu cực từ phía người nhà bệnh nhân tại Trung Quốc. Chính các bác sĩ dỏm đã đưa ra những khuyến cáo sai lệch trong quá trình điều trị khiến người nhà bệnh nhân có tư tưởng không bao giờ đưa người thân quay trở lại chữa bệnh.
Thậm chí, tại những cơ sở có bác sĩ giỏi, chất lượng chăm sóc bệnh nhân cũng thường dưới mức tiêu chuẩn bởi họ thiếu đội ngũ chăm sóc được đào tạo chuyên môn toàn diện.
Vào trại tâm thần vì tư tưởng chính trị "sai lệch"
Theo các nhà hoạt động nhân quyền, chính phủ Trung Quốc sử dụng hình thức giam hãm trong các trại tâm thần để "bịt miệng" những nhân vật mang tư tưởng chính trị trái với đường lối quốc gia.
Theo hãng tin CNN, nhà nghiên cứu cấp cao Nicholas Bequelin thuộc tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) tại Hồng Kông nhận định so với 10 năm trước, phương pháp trên hiện đang được áp dụng ngày càng nhiều và "vi phạm nghiêm trọng đạo đức ngành y".
Một trong những nạn nhân điển hình của phương pháp này là Xing Shiku. Nhóm Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc cho biết ông Xing đã bị tống giam trong một bệnh viện tâm thần tại tỉnh Hắc Long Giang suốt hơn 6 năm qua.
Trước khi bị bắt, ông Xing đã đệ đơn kiện lên chính quyền trung ương để tố cáo nạn tham nhũng và nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới quá trình tư nhân hóa của một công ty nhà nước – nơi ông này từng làm việc.
Tại Trung Quốc, những trại tâm thần giam giữ các nhân vật mang tư tưởng "lệch lạc" được gọi là các bệnh viện "ankang" (an bình và sức khỏe) và nằm dưới sự kiểm soát của Cục an ninh công cộng. Hình thức điều trị cho các bệnh nhân đặc biệt là đánh đập và chích điện. Theo HRW, tính tới năm 2011, khoảng 20 "ankang" hoạt động trên khắp lãnh thổ Trung Quốc.