Những ngày gần đây, cộng đồng dư luận lại một lần nữa dậy sóng với vụ việc bạo hành trẻ mầm non của hai bảo mẫu tại trường mầm non tư thục Phương Anh, TP. Hồ Chí Minh.
Dùng tay bóp cổ, tát mạnh vào mặt trẻ em nhỏ… những hành động ấy khiến cả xã hội phẫn nộ, lên án gay gắt các bảo mẫu “đội lốt quỷ dữ” . Tuy nhiên, sau cùng, đó cũng chỉ là những hành vi, biểu hiện đại diện cho nạn bạo hành trẻ em - thứ ung nhọt lây lan trên toàn cầu…
Bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần, tình dục hay bằng lời nói đối với các em nhỏ, những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Nhận xét về vấn nạn này, giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Anthony Lake cho biết: “Ở tất cả các quốc gia, trong mọi nền văn hóa, nạn bạo hành trẻ em cũng đều tồn tại”.
Theo thống kê của UNICEF, hiện có 223 triệu trẻ em là nạn nhân của bạo hành và ngược đãi. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2012 có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai dưới 18 tuổi là nạn nhân của bạo lực tình dục, bóc lột sức lao động. Cùng với đó, khoảng 1,2 triệu em nhỏ trở thành “hàng hóa” buôn bán mỗi năm.
Nạn nhân chủ yếu của “bạo hành trẻ em” là những em nhỏ sinh ra trong gia đình nghèo khổ hay con ngoài giá thú (bố mẹ mang thai ngoài ý muốn), trẻ bị khuyết tật… Thậm chí ở châu Phi, hàng ngàn trẻ em bị ngược đãi, bạo hành chỉ vì bị quy chụp là phù thủy.
Bạo hành trẻ em diễn ra trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong gia đình, 80 - 98% trẻ em từng bị cha mẹ đánh phạt, trong đó 1/3 đã từng bị đánh bằng các vật dụng khác nhau. Hình thức ngược đãi, bạo hành trong gia đình cũng rất đa dạng: đánh đập, ép buộc lao động, chửi mắng, thậm chí là cưỡng hiếp, giết chết…
Tới trường, nhiều trẻ em cũng không có được một môi trường thật sự an toàn để học tập, phát triển. Trẻ em bị thầy cô giáo đánh phạt, hạ nhục tâm lý, quấy rối tình dục, bị bạn bè hành hung… Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, giai đoạn từ 2005 - 2010 có tới 90% trẻ em từ 2-14 tuổi phải sống với kinh nghiệm bạo lực giáo dục, tâm lý và thể chất.
Ngoài xã hội, trẻ em là nạn nhân của buôn bán người, của bóc lột sức lao động. Trên thế giới hiện nay có khoảng 150 triệu trẻ em tuổi từ 5 tới 14 phải làm việc vất vả, trong đó có 115 triệu em phải làm các việc nặng nhọc, hay với các hóa chất nguy hại cho sức khỏe, hoặc với giờ làm việc kéo dài. Khoảng hơn 10 triệu phải làm người giúp việc cho các gia đình khá giả hơn, và thường bị đối xử như nô lệ, trong đó có 71% là trẻ nữ.
Bạo hành trẻ em phân bố tập trung ở những quốc gia còn nghèo, tình hình nội trị nhiều bất ổn. Tại Ấn Độ, có 11 triệu trẻ em sống trên đường phố. Đa số các em thường xuyên bị ngược đãi, bị bán làm nô lệ, bóc lột tình dục. Ở Mexico, lao động trẻ em có tới 3 triệu người, trong số đó có 1,8 triệu trẻ vị thành niên và 60% đều bỏ học đi làm.
Gou Bin - một cậu bé Trung Quốc 6 tuổi là nạn nhân của một vụ tấn công khủng khiếp. Một buổi chiều, em bị người phụ nữ lạ mặt tấn công, khoét mù hai mắt và vứt lại tại cánh đồng gần nhà.
Chân dung hai bảo mẫu tại trường mầm non tư thục Phương Anh (Việt Nam): Lê Thị Đông Phương (trái) và Nguyễn Lê Thiên Lý. Đáng buồn ở chỗ, bảo mẫu Thiên Lý mới 19 tuổi nhưng đã có những hành động bạo hành, đánh đập các em nhỏ mới ở độ tuổi lên ba, lên năm.
Một trẻ em đã từng bị bạo hành thường sẽ có những biểu hiện tâm lý đặc trưng, dễ dàng đoán biết như: hay tỏ ra giận dữ, gắt gỏng, buồn chán, ăn ngủ bất thường hoặc hay bị ám ảnh là sẽ bị bỏ rơi, hay mơ ác mộng…
Đặc biệt, sau khi phải trải qua những trận bạo hành khủng khiếp về cả thể xác lẫn tinh thần, nhiều trẻ mắc phải chứng “Rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương” (PTSD). Ước tính ở một quốc gia phát triển như Mỹ, có tới 5% dân số mắc phải chứng này, trong đó một lượng không nhỏ là trẻ em.
Ảnh hưởng, hậu quả mà nạn bạo hành trẻ em gây ra là vô cùng to lớn. Trải qua những trận bạo hành, các em nhỏ phải đối mặt với nhiều tổn thương về thể chất, như gãy xương sườn, tổn thương thần kinh vĩnh viễn, suy giảm sự phát triển não bộ…
Trong tương lai, những trẻ em ấy lớn lên và mang theo những di chứng suốt đời. Theo một nghiên cứu năm 2007, người lớn có tiền sử bị bạo hành hay lạm dụng khi còn nhỏ dễ mắc các chứng dị ứng, viêm khớp, hen suyễn, cao huyết áp…
Ở Mỹ, cứ 100.000 trẻ em thì có 2 em chết do bị bạo hành. Năm 2008, tổng số em nhỏ Mỹ qua đời vì nguyên nhân trên là 1.730 em. Ở góc nhìn tâm lý học, những trẻ em từng trải qua bạo hành bị ám ảnh và có xu hướng trở thành người “bạo hành trẻ em” khi lớn lên.
Một nghiên cứu năm 1988 còn chỉ ra rằng, trẻ em bị bạo hành có nguy cơ trở thành tội phạm giết người vị thành niên cao gấp 100 lần trẻ bình thường
Tạm kết: Trẻ em là thế hệ tương lai của cả nhân loại. Hãy cùng chung tay tạo ra một môi trường sống tốt đẹp cho sự phát triển, lớn lên của các em. Mỗi cá nhân, bất cứ khi nào phát hiện hành vi bạo hành trẻ em, hãy ngăn chặn và thông báo ngay cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.