Chúng ta đều biết rằng, siêu bão Haiyan - cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong lịch sử với sức gió vùng gần tâm bão lên tới trên 380km/h, dù suy yếu nhưng vẫn đạt 234km/h, gió giật tới 324km/h vừa đi qua, để lại bao hậu quả nặng nề cho người dân Philippines.
Brian McNoldy - chuyên gia về thời tiết nhiệt đới của ĐH Miami tại Mỹ nói với Livescience: “Với tốc độ như thế, Haiyan thuộc nhóm bão cấp 5 trên thang đo Saffir-Simpson, công cụ mà giới khoa học sử dụng để phân loại bão trên Đại Tây Dương. Nó là một trong những cơn bão mạnh nhất trên Trái đất”.
Theo New York Times đưa tin, với sức tàn phá, hủy diệt Philippines như vậy, trưởng đội điều phối đánh giá thiên tai của Liên Hiệp Quốc - Sebastian Rhodes Stampa đã thốt lên: “Cơn bão mang tới một sự hủy diệt trên cả diện rộng, nhiều xe ô tô bị lật úp ngửa, trên đường đầy rác, xác người. Lần cuối cùng tôi chứng kiến mức độ bị tàn phá như thế này là hậu quả của trận sóng thần ở Ấn Độ Dương ”.
Điều này đã khiến Discovery News đưa ra bài viết so sánh giữa sự tàn phá của cơn bão Haiyan và tình trạng lộn xộn sau cơn bão với thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 - kết quả của một trận động đất với cường độ 9,1 độ Richer xảy ra ở phía Tây đảo Sumatra vào ngày 26/12/2004.
1. Sức tàn phá và số người chết sau thảm họa
Sóng thần ở Ấn Độ Dương được coi là đợt sóng thần gây thảm họa chết người và tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử, với cường độ lên tới 9,1 độ Richer. Theo khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất đã giết chết khoảng 230.000 - 280.000 người và hàng triệu người mất nhà cửa.
Bão Haiyan: Ước tính có ít nhất 10.000 người chết ở Philippines, ở Việt Nam là khoảng 18 người chết và mất tích, 81 người bị thương. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc: "Con số này chưa thực sự chính xác và còn tăng lên trong mỗi ngày bởi đội công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành, tiếp cận với những vùng bị ảnh hưởng nặng hơn".
2. Chiều cao của sóng
Các cơn động đất cực mạnh năm 2004 lại làm bắn lên những cột nước dựng đứng cao khoảng trên 10m hay tạo ra con sóng thần trùm cao tới 30m. Tốc độ di chuyển của sóng lên đến 500 - 1.000km/h, ở vùng nước cạn gần bờ thì khoảng 10km/h nhưng sức công phá lại rất lớn, không cho người dân nào có cơ may sống sót.
Mỗi cơn sóng khi dội xuống mặt đất sẽ có thể tích khoảng vài trăm ngàn mét khối nước - một sức nặng chỉ có bom tấn mới so sánh nổi.
Đổ bộ vào Philippines ngày 8/11/2013 với sức gió lên đến 314 km/giờ và giật đến 379 km/giờ, Haiyan là một trong những siêu bão có tốc độ gió mạnh nhất trong lịch sử thế giới, tạo ra những con sóng cao tới 6m đánh vào bờ biển Philippines.
Hình ảnh trên là những cơn sóng lớn trong siêu bão tràn qua các đập chắn sóng ở thành phố Legazpi, Philippines.
3. Thời gian cảnh báo
Hầu hết mọi người bị ảnh hưởng bởi trận sóng thần năm 2004 không có cảnh báo. Các chuyên gia tại Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ở Honolulu thậm chí còn không biết, trận động đất mạnh đó có thể gây ra một làn sóng khổng lồ. Họ chỉ biết khi nghe báo cáo một cơn sóng thần cao tới 30m đã đổ bộ vào Sri Lanka mà thôi.
Nhà chức trách Philippines đã thông báo cho cư dân về những biến chuyển của siêu bão Haiyan. Cùng với đó, chính phủ Philippines đã cho di chuyển 800.000 người dân về nơi trú ẩn bão.
Theo Reuters, từ ngày 7/11, hơn 125.000 người đã được sơ tán lên các vị trí cao. Tổng thống Aquino của Philippines cũng kêu gọi người dân cầu nguyện để giảm thiệt hại của siêu bão gây ra. Thế nhưng, không ai lường trước được số lượng thương vong lại lớn đến vậy.
4. Tác động kinh tế
Trận sóng thần ở Ấn Độ Dương 2004 trở thành trận sóng thần gây nhiều thiệt hại về người nhất trong lịch sử hiện đại. Ước tính, trận động đất, sóng thần đã gây ra thiệt hại hơn 10 tỷ USD (khoảng 210.000 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại).
Vẫn còn khá sớm để đặt một con số thiệt hại chính xác với thảm họa siêu bão Haiyan ở Philippines nhưng Jonathan Adams - nhà phân tích cao cấp của Bloomberg Industries cho biết, ảnh hưởng của cơn bão có thể đạt 14 tỷ USD (khoảng 294.000 tỷ VND).
5. Khu vực bị ảnh hưởng
Cơn địa chấn khủng khiếp này khởi phát ở Ấn Độ Dương ngay ngoài khơi bờ biển phía Tây của miền Bắc Sumatra, Indonesia. Những đợt sóng thần sản sinh từ nó đã tàn phá vùng duyên hải Indonesia, Sri Lanka, Nam Phi, Thái Lan và những quốc gia khác với những con sóng cao đến 30m, gây thiệt hại nghiêm trọng và mang chết chóc đến tận bờ biển phía Đông châu Phi, nơi xa nhất có ghi nhận tử vong do sóng thần là ở Cảng Elizabeth, Nam Phi, 8.000km cách xa tâm chấn.
Haiyan chủ yếu ảnh hưởng đến miền Trung Philippines, nhưng gây ra thiệt hại lớn ở cả những nơi cách xa bờ biển, ở trên cao do gió mạnh của cơn bão.
Chính phủ Philippines cho rằng, siêu bão Haiyan có mối liên hệ chặt chẽ với hiện tượng biến đổi khí hậu. Do đó, họ đã hối thúc chính phủ các nước ký kết một thỏa thuận trong cuộc đàm phán về khí hậu diễn ra tại thành phố Warsaw, Ba Lan - với bài phát biểu khiến cả thế giới chết lặng .