Hiện nay, ngày càng có nhiều người dân Nhật Bản tìm người “cúi đầu” thay cho mình, nhất là trong những trường hợp họ cảm thấy sợ hãi, xấu hổ hoặc không có kiên nhẫn đối diện với người mình cần xin lỗi.
Dịch vụ này rất đa dạng, từ việc nhân viên chuyên nghiệp sẽ đóng giả làm “thân chủ” của mình, người nhà của “thân chủ” một cách công khai cho đến lén lút, tùy vào sự chấp nhận và mức độ khó tính của đối phương. Và tất nhiên, cái giá của việc hạ mình xin lỗi “giùm” này không hề rẻ chút nào.
Các công ty hiện đang vô cùng ăn khách trên thị trường hiện nay đều có một bảng giá chi tiết cho mình. Nổi bật trong số đó, có thể kể đến công ty Shazaiya Aiga Pro với 5 triệu đồng/gặp mặt xin lỗi, 2 triệu/gọi điện hoặc gửi mail; công ty Nihon Shazai Daikokao 700 ngàn đồng/giờ làm bất kỳ chuyện gì. Đặc biệt, công ty Yokohama Benriya Natchan cung cấp dịch vụ vừa xin lỗi vừa… khóc, đảm bảo làm vui lòng cả những người đang vô cùng tức giận.
Theo thống kê, những “vai diễn” mà nhân viên của các công ty này thường xuyên phải “hóa thân” là cha mẹ đến trường bảo lãnh con cái hoặc gặp người yêu của con mình để… năn nỉ chia tay, vợ chồng xin phép nghỉ bệnh cho nhau... Đa phần khách hàng trực tiếp đến thuê dịch vụ là phụ nữ ở độ tuổi 20-40 tuổi gặp rắc rối với vấn đề gia đình hoặc tiền bạc.
Một số ý kiến cho rằng, dịch vụ “xin lỗi” này là một ý tưởng cực kỳ thông minh, giúp giảm thiểu áp lực cuộc sống cho con người trong xã hội hiện đại, đặc biệt là cho những phụ nữ đang phải chịu quá nhiều gánh nặng từ các giá trị đạo đức truyền thống của Nhật Bản.
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm trái chiều khẳng định cách các công ty này đang làm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức, nhân văn giữa con người với con người. Ngay cả lời “xin lỗi” cơ bản những vấn đề cá nhân của mình mà nhiều người cũng không thể tự giải quyết với nhau thì họ sẽ không thể ý thức được những sai lầm của bản thân để sửa đổi.