Nữ sinh Việt Nam được tôn vinh trên New York Times

“Nguyễn Thị Tây là một trong những người mạnh mẽ nhất mà tôi đã từng gặp”, đó là lời nhận xét của nhà báo Nicholas Kristof mới đăng trên tờ New York Times ngày 24/5.

“Ba lần ngất xỉu tại trường vì nhịn đói để có tiền đóng học phí, đó là sức mạnh thúc đẩy Tây trở thành người đầu tiên trong làng tốt nghiệp đại học. Với tôi, em còn là hiện thân của một cô gái can đảm, giàu lòng vị tha và xứng đáng với danh hiệu sinh viên của năm”, nhà báo nổi tiếng của Mỹ khâm phục trước tinh thần và nghị lực của cô gái trẻ.

Tây là người con thứ tám trong một gia đình nông dân nghèo có chín anh chị em ở đồng bằng sông Cửu Long và là một sinh viên xuất sắc trong trường nhưng ít ai biết rằng em từng bị mẹ em tính chuyện nghỉ học để đi lao động kiếm tiền. Thực tế, khi mới học xong Tiểu học, không có được một tuổi thơ ăn học đầy đủ như bao đứa trẻ khác, Nguyễn Thị Tây đã phải đi làm người giúp việc để tự nuôi bản thân và kiếm sống giúp gia đình ở TPHCM.

Kinh tế khó khăn, không ngăn được lòng ham học của cô gái nghèo khổ. Tây mượn sách của các bạn đồng trang lứa trong làng và tiếp tục theo đuổi con đường chinh phục tri thức.

Tấm lòng vượt khó của em đã lay động những thành viên trong Tổ chức phi chính phủ Room to Read. Tây tiếp tục được đi học với sự hỗ trợ của Room to Read, em được cấp học phí, đồng phục, sách vở, xe đạp và và nhiều chi phí khác.

Tưởng chừng mọi chuyện sẽ êm đềm trôi qua nhưng đến năm lớp 12, Tây lại bị bố mẹ đốt hết sách vở. Cô gái nhỏ bé vẫn cố gắng tốt nghiệp trung học và bí mật chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học.

Ngày thực hiện thử thách cũng tới. Trong khi bạn bè được cha mẹ và người thân đưa đến địa điểm thi thì Tây một mình lặng lẽ đến tham dự cuộc thi quan trọng nhất cuộc đời mình mà không có một ai ở bên.

Vào Đại học, không nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ, Tây tiếp tục tự thân chi trả cho mọi chi phí bằng những đồng tiền mình cóp nhặt được. Mỗi kỳ nghỉ hè, em lại tìm việc làm để có thêm thu nhập trang trải công việc học hành và sinh hoạt.

“Một ngày hai ca với công việc ở nhà máy vào ban ngày và phụ việc ở nhà hàng cháo vịt vào ban đêm đến 2h sáng, phải nói rằng không phải ai cũng có được sức khỏe, hơn hết là ý chí và nghị lực phi thường như cô gái này. Ngay cả trong những ngày nghỉ Tết, Tây vẫn cặm cụi mò cua bắt ốc dù nhà nhà đang chào đón năm mới với pháo hoa và bánh chưng xanh”, nhà báo Mỹ viết về nữ sinh 20 tuổi trên New York Times.

Nhà báo Nicholas Kristof

Những ngày đi ở trọ, Tây không bao giờ cho phép mình tiêu quá 75 ngàn tiền ăn trong một tuần. Cứ như vậy cho đến một ngày em bị ngất ở giữa lớp vì đói. Cảm thấy xấu hổ khi thầy cô và bạn bè trong lớp biết mình nhịn đói quá lâu vì không có tiền ăn nhưng rồi Tây cũng sớm lấy lại niềm vui khi nhận được sự cảm thông và giúp đỡ của mọi người.

Trước hoàn cảnh đầy khó khăn của Tây, Tổ chức Room to Read đã cấp học bổng để em luôn được đủ bữa và có thêm chi phí trang trải cuộc sống.

“Để giảm bớt tiền nhà trọ, Tây thuê một căn phòng chật chội cùng hai bạn khác. Tất cả phải ngủ trên sàn. Tây tự kiếm cho mình một bóng đèn nhỏ để đọc sách và không làm các bạn cùng phòng thức giấc. Dù miệt mài học đêm nhưng hôm nào em cũng dậy từ 4h sáng để ôn bài”, nhà báo Kristof xúc động viết.

Không những tự thân đeo đuổi đam mê chinh phục con đường học vấn, cô gái trẻ còn khuyến khích anh trai đi học trở lại trường sau nhiều năm lao động tự do và kiếm sống bằng nhiều nghề. Dù ban đầu thất bại trong việc động viên anh đi học, Tây vẫn không hề nản chí hay bỏ cuộc. Và cuối cùng, cô cũng thuyết phục thành công và đăng kí cho anh trai một khóa học về cơ khí.

“Sau những ngày tháng vất vả vừa học vừa làm, Tây cũng truyền cho anh mình đam mê thực hiện ước mơ bằng học vấn. Và đến nay, anh trai Tây đã là một sinh viên năm nhất”.

Tốt nghiệp ra trường,Tây vẫn không ngừng cố gắng để có được công việc mà mình hằng mơ ước là trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh ở quê.

“Em muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người. Em nghĩ đó cũng là một cách để giúp đỡ trẻ em trong làng của em”, cô gái 20 tuổi chân thành bày tỏ.

Tây chia sẻ rằng giáo dục là một vấn đề có ý nghĩa và tầm quan trọng lớn lao, đặc biệt là giáo dục trẻ em gái.

Nhà báo Kristof nhận định: “Nếu bạn gửi một cậu bé đến trường, bạn đào tạo được một con người nhưng nếu bạn gửi một cô bé đến trường, bạn có thể đào tạo được cả một ngôi làng”.

Ông cho rằng dù điều này không phải lúc nào cũng luôn luôn đúng nhưng việc trao quyền được giáo dục cho trẻ em gái vẫn là một trong những cách tốt nhất để trao quyền được giáo dục cho cả cộng đồng. Với ông, Tây là đại diện của một “sức mạnh vô song với ước mơ trở về làng quê thuần nông nghèo khó để dạy học cho trẻ em và thay đổi thế giới”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại