Nghề gia truyền
Một đao phủ hàng đầu của Ả-rập Xê-út, ông Muhammad Saad al-Beshi, tỏ ra mãn nguyện với công việc của mình. Có thời điểm al-Beshi chém đầu tới 7 người trong một ngày. "Nó không phải là vấn đề với tôi. 2, 4 hay 10 người không quan trọng, vì tôi đang làm theo ý trời”, ông chia sẻ.
Al-Beshi bắt đầu sự nghiệp tại một nhà tù ở Taif. Ban đầu công việc của ông chỉ là còng tay và bịt mắt các tù nhân trước khi họ bị hành quyết. Khi một vị trí bị bỏ trống, Al-Beshi đã trình bày nguyện vọng và được chấp nhận ngay lập tức.
Lần thi hành án đầu tiên của ông là vào năm 1998 ở Jeddah. “Tất nhiên tôi đã rất lo lắng”, ông nhớ lại, “nhưng tất cả chỉ còn trong quá khứ”. Al-Beshi cho biết bản thân rất bình tĩnh mỗi lần thi hành án bởi vì ông đang “thay trời hành đạo”. “Nhiều người ngất đi và gặp ác mộng sau khi họ chứng kiến. Còn tôi, tôi vẫn ngủ rất ngon. Không ai lo ngại công việc của tôi. Tôi có nhiều người thân, bạn bè và vẫn sống một cuộc sống bình thường như những người khác”.
Mặc dù không tiết lộ được trả bao nhiêu tiền cho mỗi lần thực hiện vì đây là một thỏa thuận bí mật với Chính phủ nhưng ông nhấn mạnh phần thưởng không quan trọng. "Tôi rất tự hào về công việc của mình, đó là hành xử theo mong muốn của Thượng đế", ông nói.
Là một đao phủ nhiều kinh nghiệm, Al-Beshi được giao phó nhiệm vụ đào tạo lớp kế cận. "Tôi rất thành công trong việc đào tạo chính con trai mình - Musaed, 22 tuổi và nó đã được lựa chọn", ông nói với giọng đầy tự hào. Ông kết hôn khi đã là một đao phủ, và vợ ông không hề phản đối nghề nghiệp của chồng. "Đôi khi, vợ con tôi còn giúp tôi làm sạch thanh kiếm", ông nhớ lại.
Mặc dù vậy, số lượng những đao phủ tự hào về nghề nghiệp của mình như Al-Beshi hiện nay không nhiều. Bằng chứng là dù có tới 1,2 tỷ người nhưng Ấn Độ vẫn đang rất vất vả để tìm một người đảm nhiệm vai trò đao phủ, còn Ả-rập Xê-út thì đang xem xét hủy bỏ hình phạt xử trảm ở nơi công cộng cũng vì tình trạng thiếu đao phủ. Al-Beshi và con trai ông có thể đang nằm trong số những đao phủ cuối cùng của thế giới.
Ám ảnh
Trong một khu phố Hồi giáo đổ nát của Lucknow - thủ phủ bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ, một người đàn ông với bộ râu trắng và mặc chiếc áo pyjama màu hoa cà nhanh chóng băng qua các con hẻm. Ahmadullah không muốn bị bắt gặp nói chuyện với người lạ ở nhà nên đã ra một công viên gần đó. Ahmadullah cho biết không phải ông xấu hổ về nghề nghiệp của mình nhưng ông không muốn hàng xóm tò mò về công việc ấy. “Người ta sẽ có cái nhìn không mấy thiện cảm và e ngại về nó - nghề đao phủ”, ông nói.
Với một nụ cười nhẹ nhàng, ông nhớ lại vào năm 1965, khi tiếp nhận công việc từ người cha của mình vốn là đao phủ chính ở Lucknow, ông được nhà nước trả 25 rupee (tương đương 5 USD tính vào thời điểm đó) cho mỗi vụ hành quyết. Ông đã tiến hành tất cả khoảng 40 vụ ở Delhi, Assam và Madhya Pradesh.
Ngày nay, công việc của ông khá nhàn rỗi. Lần cuối cùng ông thực hiện vai trò của một đao phủ là cách đây hơn 2 thập kỷ, khi tiến hành treo cổ một người đàn ông - kẻ nổi loạn ở Assam đã bắt cóc và giết chết một đứa trẻ.
Mặc dù bản án tử hình vẫn thường xuyên được các nhà chức trách ban ra dựa trên quy định của pháp luật, nhưng việc áp dụng hình thức trên thì rất hiếm hoi kể từ khi Tòa án tối cao Ấn Độ, vào năm 1983, ban lệnh nó chỉ dành cho tội ác “nguy hiểm nhất trong các trường hợp nguy hiếm”. Và 17 năm qua, mới chỉ có một trường như vậy ở nước này. Ahmadullah ủng hộ quy định này, mặc dù ông nói việc thực hiện là hết sức khó nhọc.
Trước đây, dưới chế độ của nhà cầm quyền thực dân Anh, lệnh tử hình được ban ra rất nhiều. “Cha tôi không bao giờ ngồi im được một ngày, ông luôn bị gọi đến thực hiện các án treo cổ hay chém đầu”, ông nói. Hiện nay, mặc dù vẫn sẽ tiến hành nếu nhận được lệnh nhưng ông cũng phải công nhận rằng nó đầy ám ảnh và không muốn nhìn thấy con cháu mình tiếp tục con đường này. “Tôi sẽ là đao phủ cuối cùng trong gia đình”.