Mông Cổ và những câu chuyện về nghịch lý giàu - nghèo

Bên cạnh những khu phố giàu có "ngút trời" là những túp lều du mục.

Năm nay đã 88 tuổi, cụ bà Norihil Gendenpil vẫn nương thân trong một túp lều du mục ở ngoại ô thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ. Nơi cụ sống qua ngày, xét cả về mặt tự nhiên và kinh tế, đều là bên rìa của một thành phố đang phát triển với những tòa nhà “đâm toạc” bầu trời.

Mỗi ngày, cụ Gendenpil vẫn phải lo toan việc mua thực phẩm đại gia đình gồm hơn 20 thành viên. Ngồi trong túp lều đã gắn bó với đời sống của biết bao thế hệ người Mông Cổ, cụ tâm sự: “Cứ sáng dậy là lại thấy giá cả leo thang. Tôi không muốn nhờ các con gái giúp đỡ vì chúng cũng đang phải bươn chải kiếm sống”.

 

Người Mông Cổ bên những túp lều du mục.

Trong khi cái nghèo, cái khổ tưởng như bao trùm ngoại ô Ulan Bator thì chỉ cách đó một vài phút lái xe dọc con đường đầy bụi là một quang cảnh xa hoa hoàn toàn đối lập. Ở đó mọc lên những tòa nhà chọc trời hào nhoáng, các trung tâm mua sắm sầm uất, khu đánh golf được xếp hạng năm sao cùng một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và một dãy căn hộ với hệ thống sưởi ấm áp.

Những người giàu mới phất lên ở Ulan Bator (gồm khoảng 1,5 triệu dân) giờ đây thỏa sức mua sắm những bộ quần áo thời trang, phụ kiện, đồ công nghệ hàng hiệu nổi tiếng thế giới như Armani, Louis Vuitton hay điện thoại Verty nạm đá quý... Họ lái những chiếc Lexus SUV và Hummer trên con đường lát gạch nham nhở và thường xuyên phải dừng xe chờ thông đường ở những điểm giao thông tắc nghẽn trong một thành phố còn sót lại không ít cơ sở hạ tầng đổ nát từ quá khứ.

Kinh tế Mông Cổ đã tăng trưởng 12,3% trong năm 2012 sau khi tăng 17,5% trong năm trước đó. Sự chuyển đổi nhanh chóng diễn ra tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới là kết quả của việc khai thác các mỏ than, đồng và vàng. Tuy nhiên, sự giàu có mà nó mang lại vẫn chưa chạm đến được những khu vực như nơi cụ Gendenpil đang sống.

Dựa vào số lương hưu và khoản tiền được trợ cấp ít ỏi (5,9 USD/tháng cho người lớn và 1/2 số đó cho trẻ con) từ chương trình tem phiếu đổi lương thực của chính phủ, cụ Gendenpil mua những món hàng thực phẩm thiết yếu trong đời sống của người Mông Cổ, bao gồm thịt và bơ sữa. Rau xanh hiếm khi xuất hiện trong thực đơn gia đình vì nhiệt độ mùa đông ở Mông Cổ có thể xuống thấp đến -40 độ C, không thích hợp để trồng trọt trong khi các mặt hàng rau nhập khẩu từ Trung Quốc lại quá đắt đỏ.

Sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo tại các thành phố cùng những tác động xấu của quá trình phát triển đô thị đối với môi trường ở khu vực nông thôn đang là những khó khăn mà Mông Cổ phải đối mặt. Chính phủ nước này đang phải tìm cách để cân bằng giữa những yêu cầu của các tập đoàn đầu tư đa quốc gia hùng mạnh với mong muốn của người dân trong nước.

Trong lúc chờ đợi một tương lai tương sáng hơn, cuộc sống hiện tại của những người như cụ bà Gendenpil vẫn chưa thể khá lên khi cái nghèo vẫn luẩn quẩn quanh họ. Cô Enkhnyamaa Purevsuren, một trong những người cháu của cụ Gendenpil, từng kiếm được 310 USD/tháng (khoảng 6,2 triệu đồng) nhờ làm việc tại một công xưởng đồ da. Sau đó, cô bỏ việc sang Malaysia cùng chị gái để làm nghề trông trẻ. Cuối năm 2012, cô Purevsuren trở về Mông Cổ nhưng kể từ đó đến nay, cô vẫn luôn hy vọng có thể quay lại Malaysia kiếm sống. Tâm sự về cuộc sống hiện tại, cô cho biết: “Tôi không thể dành dụm được một đồng nào. Tôi chẳng có một nơi để ở và tiền lương thì quá thấp”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại